Nhưng thực tế là dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, giá vé máy bay vẫn tăng gần gấp đôi. Vậy lời khẳng định kia là thực chất hay chỉ để trấn an, xoa dịu dư luận?
Máy bay là phương tiện di chuyển thuận tiện, nhanh chóng, có ưu thế kết nối khoảng cách xa, vì vậy được nhiều người dân lựa chọn. Nhưng việc từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay nội địa liên tục neo cao, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân cũng như gây tác động xấu đến du lịch nội địa.
Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 đã cận kề, giá vé máy bay nội địa của nhiều hãng đều tăng cao ở hầu hết các chặng. Giá vé dịp lễ đắt đỏ nên khách mua chủ yếu là các nhóm gia đình có điều kiện, số lượng khách đoàn của công ty hay DN rất hạn chế.
Bộ GTVT cũng như các hãng bay lý giải, nguyên do nguồn cung máy bay đang khan hiếm, nhiều chuyến bay kín chỗ, chứ thực tế lượng khách đặt vé tại đại lý không nhiều hơn so với các kỳ nghỉ của năm trước. Cách lý giải này khiến người dân chỉ càng thêm hoang mang.
Chuyện giá vé máy bay “nóng” lên lại một lần nữa khiến người dân bức xúc. Bởi qua công tác thanh, kiểm tra của Bộ GTVT, giá vé vẫn nằm trong quy định, nhưng thực tế lại nằm ngoài tầm với của nhiều người dân.
Trước đó, trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, qua kiểm tra hoạt động bán vé, Bộ GTVT ghi nhận các hãng hàng không đều thực hiện đúng quy định về mức giá tối đa đối với hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa.
Cũng theo Bộ GTVT giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân như: sụt giảm quy mô đội máy bay khai thác, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, Tết… biến động tăng giá nhiên liệu bay, tăng tỷ giá...
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ cân đối tải trên các đường bay, điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường thêm các chuyến bay đêm… Song song với đó là giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật.
Động thái này được Bộ GTVT, Cục Hàng không đưa ra từ nhiều tháng nay, từ trước khi bước vào cao điểm Hè. Nhưng đến nay dịp Lễ Quốc khánh 2/9 đã cận kề, giá vé vẫn neo cao khiến người dân đặt ra nhiều câu hỏi về tính thực chất của giải pháp. Liệu đây là những động thái rõ rệt, hướng đến người dân hay chỉ là những lời trấn an dư luận?
Hàng không là loại hình vận tải đặc biệt, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống Nhân dân và nhiều ngành kinh tế khác. Bộ GTVT cần thể hiện rõ rệt hơn nữa vai trò đầu tầu của cơ quan quản lý Nhà nước, có những hành động thực chất, biện pháp hữu hiệu để “giảm giá vé máy bay” không còn là hô khẩu hiệu trấn an dư luận.
Huyền Sâm