Làm rõ sai phạm
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý vụ án hình sự “Giả mạo trong công tác”, “Đưa và nhận hối lộ”, xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn (địa chỉ 205C Phạm Văn Thuận, Phường Tân Tiến, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) và một số địa phương liên quan.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 1/2020 – 4/2023, trung tâm này đã lập 935 hồ sơ đăng ký đào tạo lái xe và được Sở GTVT Đồng Nai xác nhận việc đào tạo đối với 63.458 học viên.
Đáng nói, trung tâm này đã dạy lý thuyết, thực hành không đúng quy định, giao cho các cá nhân ngoài xã hội không có chức năng tự đào tạo lái xe và hợp thức hóa hồ sơ người học là do Trung tâm đào tạo. Thậm chí, còn cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 39.021 học viên trái quy định.
Liên quan sai phạm, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Đình Thái Hòa - Giám đốc Trung tâm và nhiều thuộc cấp. Các bị can bị khởi tố về tội "Giả mạo trong công tác" do có hành vi đưa, nhận tiền để bỏ qua sai phạm trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho người học.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã phát đi thông báo tìm 63.458 học viên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đề nghị khẩn trương liên hệ, làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/8 vừa qua, cơ quan chức năng địa phương đã khởi tố Phó Hiệu trưởng và Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Hưng Đô về tội “Giả mạo trong công tác”. Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hưng Đô Lê Thị Hương.
Theo đó, từ năm 2021 - 2023, Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Hồng (SN 1985, trú tại Định Hòa, huyện Yên Định) và Phó trưởng Phòng Đào tạo Ngô Văn Giáp (SN 1984 trú tại thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định) đã cùng Hiệu trưởng Lê Thị Hương, lập danh sách 8 cá nhân không phải giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô của trường báo cáo Sở GTVT Thanh Hóa để được cấp giấy phép đào tạo lái xe.
Bị can Phạm Văn Hồng còn ký duyệt các báo cáo đăng ký sát hạch lái xe có các cá nhân không phải là giáo viên của trường để đủ điều kiện mở lớp đào tạo lái xe. Các hành vi trên nhằm mục đích tăng số lượng học viên lái xe, tăng thêm nguồn thu cho trường.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nêu quan điểm, các sai phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe là việc không thể chấp nhận được. Điều khiển xe trên đường không chỉ liên quan đến tính mạng của bản thân người điều khiển phương tiện mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác. Do đó, việc dạy và học lái xe phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu.
Hơn nữa, những vụ việc nêu trên khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng, nhất là trong bối cảnh tai nạn giao thông những năm gần đây diễn biến phức tạp. Cần loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” để tránh gây ảnh hưởng đến công tác đào tạo và sát hạch lái xe tại các địa phương.
Các chuyên gia giao thông khác cũng cho rằng, đội ngũ lái xe là lực lượng rất quan trọng góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên mỗi tuyến đường. Công tác đào tạo lái xe bài bản, chuyên nghiệp là cực kỳ cần thiết phải được các đơn vị, địa phương quan tâm, quản lý chặt chẽ.
Đặc biệt, giáo viên dạy lái xe là người trực tiếp hướng dẫn học viên phải có đủ trình độ, kỹ năng để giúp người lái xe điều khiển phương tiện một cách hiệu quả, an toàn trên đường.
Việc một cơ sở dạy nghề lái xe dạy lý thuyết và thực hành không đúng quy định có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tài xế thiếu hiểu biết, hiểu sai hoặc thực hành không thành thạo khi tham gia giao thông sẽ rất dễ gây tai nạn.
Các chuyên gia giao thông đều nhất trí rằng, việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh và nâng cao chất lượng đào tạo lái xe là một trong những yêu cầu cấp bách đối với việc đảm bảo an toàn giao thông hiện nay. Các sai phạm như tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn và Trường Trung cấp nghề Hưng Đô (Thanh Hoá) là những điển hình cần phải nghiêm trị để sự việc không trở thành tiền lệ xấu trong xã hội.
“Phía sau tay lái là sự sống, trong đào tạo lái xe, việc học và thực hành thực chất theo tôi có ý nghĩa rất quan trọng với học viên để khi ra thực tế có thể xử lý tốt và linh hoạt mọi tình huống giao thông. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước và các trung tâm đào tạo lái xe, việc nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng của người lái xe chính là đảm bảo an toàn giao thông cho chính người lái xe và cả xã hội cần được quan tâm sát sao và quản lý chặt chẽ” – chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Huyền Sâm