Người dân lúng túng
Theo quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ ngày 1/1/2025, GPLX tăng lên 15 hạng gồm: A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE (quy định cũ gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE).
Đáng chú ý, hạng B1 mới không còn cấp cho người lái xe ô tô như bằng B1 cũ mà sẽ cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh; hạng B1, B2 cũ phải đổi bằng lái mới. Quy định cũng nêu rõ, người đang sử dụng GPLX theo phân hạng cũ thì tiếp tục được dùng đến khi hết hạn. Tới khi cấp đổi hoặc cấp mới GPLX sẽ áp dụng theo phân hạng mới.
Tuy nhiên, chia sẻ trên một diễn đàn về xe, một số lái xe đã cấp đổi GPLX hạng B2 sang phân hạng mới bày tỏ, hạng B theo luật mới quy định được chở người đến 9 chỗ ngồi (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà "khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn". Điều này dẫn đến các tài xế có GPLX B2 nếu đổi sang B sẽ bị hạ tải trọng so với hạng B2 (trước đây được lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn), gây khó khăn cho công việc.
Tài xế Trần Duy Đông cho biết, do không để ý anh đã để đổi GPLX B2 mặc định thành B mà không chọn C1 dẫn đến bằng hiện tại có giá trị chuyên chở thấp hơn bằng cũ.
Đó cũng là băn khoăn của tài xế Nguyễn Khải khi đăng bài tham vấn ý kiến đồng nghiệp về việc đổi GPLX. Anh cho biết có GPLX hạng B2 đến hạn phải đổi và hiện đang lái xe có tải trọng hàng hóa dưới 3,5 tấn. Nếu đổi bằng chuyển sang B thì chỉ lái được xe tải dưới 3,5 tấn toàn bộ xe và sẽ ảnh hưởng tới công việc. Anh Khải xin lời khuyên về việc làm thế nào để chuyển bằng từ B2 sang C1 vì biết có nhiều trường hợp không để ý nên đã đổi mặc định bằng lái B2 thành B như đã nêu trên.
Người dân cần tìm hiểu kỹ quy định trước khi đổi GPLX sang phân hạng mới tương đương.
Các chuyên gia cho rằng, việc đổi GPLX theo phân hạng mới đang bị hiểu nhầm là bằng B1, B2 đổi mặc định về B dẫn đến người dân lúng túng trong cách chọn loại GPLX khi cấp đổi từ cũ sang mới.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phép tài xế cấp đổi GPLX hạng B1, B2 (cũ) sang B hoặc C1 (mới) với thông số chuyên chở có sự khác biệt. Việc chưa tìm hiểu kỹ quy định sẽ dẫn đến việc người dân lựa chọn chuyển đổi GPLX chưa phù hợp, gây bất tiện trong việc sử dụng GPLX về sau đặc biệt là đối với những người sử dụng GPLX để kinh doanh dịch vụ vận tải.
Người dân có quyền lựa chọn
Liên quan đến vấn đề này, Đại diện Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông từ ngày 1/1/2025, GPLX tăng lên 15 hạng. Người có GPLX hạng B1, B2 (cũ) có quyền lựa chọn đổi sang hạng B hoặc C1 mới.
Trong đó, hạng B mới được chở người đến 9 chỗ ngồi (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà "khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn". Hạng C1 được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 - 7,5 tấn. Lưu ý, các bằng lái hạng B1 số tự động sau khi cấp đổi vẫn chỉ được lái các loại xe số tự động, không được lái xe số sàn.
Như vậy, so với hạng B2 cũ, GPLX hạng C1 mới thậm chí còn có thuận lợi nhất định cho tài xế khi không phải thực hiện việc thi lại.
Tuy nhiên, khi đổi bằng B2 thì ngay từ lúc khám sức khỏe người dân cần điền yêu cầu đổi bằng B2 sang C1. Bởi nếu đổi bằng lái B2 sang B thì khám sức khoẻ ghi loại B, đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 2 nhưng nếu đổi từ B2 sang C1 phải khám sức khỏe ghi loại C1 và đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 3 (theo quy định tại Thông tư 36/2024/TT-BYT). Hai giấy khám sức khỏe này có sự khác biệt về tiêu chuẩn.
Sau khi có giấy khám sức khỏe, tài xế ra Sở GTVT thực hiện thủ tục cấp đổi cần điền đơn đổi GPLX hạng B2 thành C1 để tránh tình trạng bị đổi mặc định về B.
Trong trường hợp tài xế khám sức khỏe loại C1, điền đơn xin cấp đổi C1 nhưng vẫn bị đổi B2 thành B thì do lỗi phần mềm của Sở GTVT và có thể xin cấp đổi lại. Nhưng nếu đã đổi B2 thành B thì lại không thể đổi lại sang C1.
Từ thực tế trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng khuyên rằng, người dân cần hiểu đúng về việc cấp đổi GPLX theo phân hạng mới để có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu vận tải.
Nếu tài xế xe dịch vụ nên chọn đổi bằng B2 sang C1 để tránh việc phải giảm khối lượng hàng hóa chuyên chở, gây khó khăn cho công việc. Với tài xế chỉ sử dụng bằng lái cho mục đích sử dụng xe cá nhân, không kinh doanh vận tải thì có thể chọn đổi sang B hoặc nâng lên C1 tùy theo nhu cầu.
Khi thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe, cần thực hiện đúng yêu cầu hồ sơ về chuyển đổi loại bằng. Trường hợp gặp khó khăn về cấp đổi GPLX nên tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, đến tại Sở GTVT và các điểm cấp đổi GPLX để được hỗ trợ thêm thông tin.
Huyền Sâm