Hơn 3.000 người thương vong vì TNGT trong quý I/2023

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia vừa có báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023.

Hon 3.000 nguoi thuong vong vi TNGT trong quy I/2023 - Hinh anh 1
Hiện trường vụ TNGT ngày 14/2/2023 làm 10 người chết ở Núi Thành, Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Theo báo cáo, quý I/2023 (tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/3/2023), toàn quốc xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 428 vụ (-15,43%), giảm 258 người chết (-15,23%), giảm 148 người bị thương (-8,57%).

Trong đó, có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 14 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Đà Nẵng, Đăk Nông, Long An, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Tiền Giang, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu Đặc biệt: Đà Nẵng, Đăk Nông, Long An và Cà Mau giảm trên 60% số người chết do TNGT.

Bên cạnh đó số người chết do TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tại Bình Dương và tại Bà Rịa Vũng Tàu cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.

Tuy nhiên, vẫn còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La, trong đó, có 05 tỉnh có số người chết tăng trên 50% trở lên là: Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong Quý I năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 01 vụ làm 03 người chết và 01 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 01 vụ làm chết 03 người và 01 người bị thương; vụ TNT tại Điện Biên làm 4 người chết, 1người bị thương; vụ TNGT tại Gia Lai làm 2 người chết và nhiều người bị thương; vụ TNGT tại Phú Yên làm 4 người chết nhiều người bị thương v.v….

Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông tiếp tục diễn ra, điển hình như một số vụ xe container rơi cuộn thép tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội....

Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2022), trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn, nguyên nhân là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép,.. còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các llực lượng chức năng.

Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT dành cho các đoàn thể, chính trị xã hội.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch số 506/KH-UBATGTQG ngày 29/12/2022 về Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia; nhằm đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc Hội và Chính phủ đã đặt ra là trong năm 2023 kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương ít nhất 5% so với năm 2022, trong quý II/2023, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm TTATGT, trên cơ sở đó tham mưu, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Tổ chức Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Yêu cầu các địa phương có TNGT tăng trong quý I có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm TNGT trong quý II và cả năm 2023. Tổ chức đoàn kiểm tra của Uỷ ban ATGT Quốc gia tại một số địa phương có tình hình TNGT diễn biến phức tạp, tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2023.

Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nội dung công điện bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm Du lịch Hè 2023. Đồng thời, chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ ATGT Đường bộ toàn cầu của Liên hiệp quốc (12-16/5/2023).

 

Tin liên quan