Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án cấm nồng độ cồn khi lái xe

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang đề nghị các đại biểu lựa chọn 1 trong 2 phương án về cấm nồng độ cồn khi lái xe, thời gian hoàn thành trước 9h30 ngày 24/6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

 

Hai phương án đươc đưa ra để các đại biểu lựa chọn bao gồm: Phương án 1 cấm tuyệt đối nồng độ cồn như hiện nay; Phương án 2 giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn với lái xe.

 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tiễn áp dụng phương án 1 đang phát huy kết quả tốt, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 

Hạn chế là quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn có thể làm thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam. Làm giảm mức tiêu thụ đồ uống có cồn và tác động tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động và người chủ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Lay y kien dai bieu Quoc hoi hai phuong an cam nong do con khi lai xe - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ.

Với phương án 2, quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Người dân sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ít tác động tới mức tiêu thụ đồ uống có cồn, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn và tác động tới người lao động trong lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên, phương án 2 có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Nếu tai nạn xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

 

Hơn nữa, khi quy định trong Luật ngưỡng nhất định thì người uống rượu, bia khó xác định ngưỡng để dừng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý; nguy cơ xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có va chạm giao thông bị kích thích do đã sử dụng rượu, bia.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1 trong 2 phương án nêu trên, thời gian hoàn thành trước 9h30 ngày 24/6. Sau đó Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào sáng 27/6.

Tin liên quan