Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông: thiết thực, nhân văn

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Mỗi năm tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng, gây thiệt hại hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đời sống kinh tế xã hội. Đề xuất lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT của Bộ Công an tại dự thảo Luật Trật tự, ATGT là việc làm thiết thực và nhân văn nhằm khắc phục hậu quả các vụ tai nạn.

Phù hợp với nhu cầu thực tiễn

 

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023 toàn quốc xảy ra 22.067 vụ TNGT, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 1.285 vụ (-5.5%), giảm 1.922 người chết (-14.18%), tăng 660 người bị thương (+4.51%).

 

Trong đó, đường bộ xảy ra 21.880 vụ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 1.292 vụ (-5.58%), giảm 1.891 người chết (-14.12%), tăng 657 người bị thương (+4.5%). Đáng chú ý, năm 2023 có 34 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, làm chết 118 người, bị thương 77 người.

 

Những thiệt hại do TNGT đường bộ gây ra không chỉ là mất mát về người mà còn ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, đời sống của người dân và kinh tế xã hội đất nước.

 

Quy giam thieu thiet hai tai nan giao thong: thiet thuc, nhan van - Hinh anh 1
 Tai nạn giao thông cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng mỗi năm và để lại hậu quả nặng nề cho thân nhân và xã hội.

 

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT đường bộ, nhưng chưa nêu cụ thể công tác giải quyết tai nạn và quy định về quỹ giảm thiểu thiệt hại. Trong khi phần lớn nạn nhân trong các vụ TNGT đều đang ở độ tuổi lao động, là trụ cột chính của gia đình, lực lượng lao động để phát triển kinh tế - xã hội.

 

Theo thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, thực tế cho thấy khi xảy ra TNGT thân nhân người bị nạn không những bị mất đi nguồn thu nhập chính mà còn phải chi trả thuốc men, chạy chữa hoặc khắc phục thiệt hại về tài sản. Thời gian khắc phục hậu quả có thể kéo dài sẽ làm tăng gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Nếu có nguồn lực hỗ trợ giúp họ vực dậy thì hậu quả sẽ bớt nặng nề hơn.

 

Từ thực trạng đau lòng của các vụ TNGT và qua tham khảo, nghiên cứu nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ Công an đề xuất lập một quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ và đề xuất trong Luật Trật tự ATGT đường bộ để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc triển khai hỗ trợ các nạn nhân. Đồng thời, hỗ trợ cho các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ; hỗ trợ việc phòng ngừa, hạn chế tổn thất, thiệt hại và khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do TNGT đường bộ gây ra.

Chung tay khắc phục hậu quả TNGT

Thẩm tra nội dung này trong dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đánh giá, việc lập quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ phù hợp với nhu cầu thực tiễn bởi có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do TNGT gây ra cho con người và xã hội.

 

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan trước đây vẫn có các hoạt động xã hội hóa ủng hộ nạn nhân TNGT và công tác đảm bảo ATGT nhưng là các hoạt động đơn lẻ, không thường xuyên. Việc sử dụng nguồn ủng hộ vì vậy mà có thể gây tranh cãi hoặc khiến một số người dân dè dặt. Nhưng khi mà được đưa vào Luật và có các quy định chặt chẽ, minh bạch về huy động, quản lý, sử dụng nguồn tài chính tôi tin rằng nguồn lực xã hội sẵn sàng chung tay khắc phục hậu quả TNGT sẽ ngày càng nhiều hơn.

 

Điều 84 của dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ đã định nghĩa Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.

 

Quỹ sẽ ưu tiên chi hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do TNGT đường bộ gây ra; hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người dân mà các hoạt động này không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.

 

Nguyên tắc hoạt động xuyên suốt của Quỹ là không được chi trùng với ngân sách Nhà nước và không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ không chồng lấn với Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (cả bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện).

 

Để đảm bảo Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ phát huy hiệu quả Chính phủ sẽ là cơ quan trực tiếp quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ. 

 

Tin liên quan