Sẽ nhập đủ phôi giấy phép lái xe cho các địa phương vào cuối tháng 10

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị nhà cung cấp phôi giấy phép lái xe cấp bổ sung, đến cuối tháng này sẽ nhập đủ phôi giấy phép lái xe cung cấp cho các Sở GTVT có nhu cầu.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có thông tin trước việc nhiều địa phương trên cả nước đã rơi vào tình trạng hết phôi ấn chỉ, hết nguyên liệu để in giấy phép lái xe đồng thời kiến nghị xem xét cung cấp bổ sung số lượng phôi để kịp thời giải quyết nhu cầu cấp thiết cho người dân.

Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống cho biết, theo báo cáo của các Sở GTVT, nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe tăng đột biến với tỷ lệ tăng 50% so với năm ngoái.

Tổng hợp từ đầu năm theo đề nghị của các Sở GTVT cần 3,4 triệu phôi giấy phép lái xe. Trong 9 tháng của năm nay đã cấp 3,5 triệu giấy phép lái xe. Hiện, các sở đang đề nghị cấp thêm khoảng 1 triệu phôi giấy phép lái xe.

Se nhap du phoi giay phep lai xe cho cac dia phuong vao cuoi thang 10 - Hinh anh 1
Nhu cầu cấp, đổi giấy phép lái xe của người dân tăng cao ngoài dự báo khiến nhiều địa phương rơi vào tình trạng hết phôi ấn chỉ. Ảnh minh họa. 

Việc thiếu phôi giấy phép lái xe là do không dự báo trước được nhu cầu đổi giấy phép lái xe của người dân tăng cao.

"Cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị nhà cung cấp phôi giấy phép lái xe cấp bổ sung. Tuy nhiên, do phôi phải nhập khẩu nên cần có thời gian. Đến cuối tháng này, nhà cung cấp sẽ nhập đủ phôi giấy phép lái xe cung cấp cho các Sở GTVT có nhu cầu” - đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Trước đó, việc thiếu phôi in giấy phép lái xe khiến nhiều người dân tại thành phố Cần Thơ đã hoàn thành thi sát hạch cấp giấy phép lái xe nhiều tháng nhưng chưa được cấp bằng.

Mới đây nhất, Sở GTVT Đắk Lắk đã thông báo tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới giấy phép lái xe từ 15/10. Cụ thể, tạm dừng các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe, tiếp nhận hồ sơ liên quan đến thủ tục cấp đổi giấy phép lái mô tô (A1) từ vật liệu giấy sang vật liệu PET.

Tin liên quan