“Xẻ thịt” đường giao thông
Mới đây, theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận thực tế đoạn đường Cổ Linh, phường Long Biên (quận Long Biên). Tại khu vực này có công trình nhà ở cao tầng trên lô đất CT2 do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Delux Hà Nội làm chủ đầu tư, nhà thầu Công ty Đầu tư phát triển nhà Ruby đang thi công phần hầm và móng.
Quá trình thi công, công trình nhà có thiết kế cao 16 tầng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến hư hỏng mặt đường và hè phố Cổ Linh. Cụ thể, đoạn vỉa hè qua khu dân cư tổ 5, 7 Tư Đình, phường Long Biên bị sạt lở, nhiều vết lún nứt kéo dài hàng chục mét.
Mặt đường Cổ Linh nứt gãy nhiều đoạn, có vị trí sụt lún xuất hiện những vết hở chênh 10 - 20cm so với mặt đường cũ. Hiện trạng hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ rất cao mất an toàn giao thông (ATGT) cho người và phương tiện qua lại. Hơn nữa, đơn vị thi công còn rào chắn quây tôn một phần vỉa hè để thi công, toàn bộ phần hè bên trong phạm vi dự án đã gãy nát, biến dạng.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT TP Hà Nội đã có biên bản làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án, xác định rõ các điểm sạt lở, lún nứt vỉa hè, mặt đường Cổ Linh là do quá trình thi công hầm dự án của Công ty Delux gây nên.
Tương tự là khu vực thi công hạ ngầm đường dây điện, đoạn từ Km2 - Km8 đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Quá trình thi công dù được Sở GTVT Hà Nội yêu cầu phải bố trí người hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa, vật tư, vật liệu tập kết đúng nơi quy định, không làm ảnh hưởng đến giao thông nhưng nhà thầu vẫn mặc nhiên ngó lơ.
|
Đào đường gây ùn tắc giao thông trên đại lộ Thăng Long. Ảnh: Phạm Công |
Ghi nhận thực tế cho thấy đường ống, đất cát chồng chất, vương vãi khắp nơi ngay trên mặt đường bất chấp gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người dân qua lại. Trên tuyến không bố trí biển cảnh báo, cũng chẳng có người phân luồng, hậu quả là tạo nên một điểm “đen” UTGT trầm trọng kéo dài nhiều ngày qua.
Còn tại huyện Mê Linh, hàng loạt tuyến đường bị đào lên không cần cấp phép giống như bị “xẻ thịt” để phục vụ mục đích riêng của một số đơn vị. Ví dụ như tại Km1+380 đường 35, đoạn qua địa bàn xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh). Đoạn tuyến đang bị Công ty TNHH Xây dựng và phát triển thương mại Bảo Quân đào, cắt phần lề đường dài 19m, rộng 1m, sâu 0,8m để thi công rãnh thoát nước. Tại thời điểm kiểm tra đơn vị không xuất trình được giấy phép thi công.
Hay như tại Km1+550 bên phải tuyến đường trung tâm hành chính huyện Mê Linh, thị trấn Chi Đông cũng đang bị Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng Mê Linh đào xẻ phần lề đường để lắp đặt cống thoát nước, tạo nên hố sâu 2m, rộng 4m, dài 10m. Không chỉ tự ý đào bới, nhà thầu còn không có bất cứ biện pháp bảo đảm ATGT tối thiểu nào.
Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn huyện Mê Linh xảy ra tình trạng tự ý xẻ thịt đường giao thông. Trước đó, tháng 3/2024, tuyến đường Quốc lộ 23 dọc theo khu 6, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh cũng bị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thường Lệ tự ý đào bới ngổn ngang gây mất trật tự ATGT, vệ sinh môi trường.
Quá coi thường pháp luật
Có thể thấy tình trạng mạnh ai nấy xẻ thịt đường sá, gây hư hỏng hạ tầng giao thông đang diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ gây mất trật tự, ATGT nghiêm trọng mà còn khiến TP phải mất khoản kinh phí không nhỏ cho việc duy tu, sửa chữa đường sá. Câu hỏi đặt ra là lực lượng chức năng ở đâu khi hàng loạt công trình, dự án xâm hại đường giao thông (?).
Thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND quận Long Biên cho biết, đã lập biên bản xử phạt chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng trên lô đất CT2 gây lún nứt đường Cổ Linh. Tuy nhiên thời gian cho phép sửa chữa, hoàn trả đường, hè đến hết 30/11/2024.
Như vậy trong vài tháng tới, đường Cổ Linh vẫn sẽ trong tình trạng hư hỏng ảnh hưởng đến giao thông, gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Đông đảo người dân trong khu vực đặt câu hỏi: tại sao phải kéo dài đến vài tháng mới sửa chữa? Quá trình sửa chữa có biện pháp nào bảo đảm ATGT hay không? Trong khi đó dự án vẫn tiếp tục thi công mà chưa hề có dấu hiệu rào chắn hay khắc phục vị trí sụt lún trên đường Cổ Linh.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án huyện Mê Linh Nguyễn Cao Chí cho biết, cả hai đơn vị đang thi công 2 dự án xây dựng đường 48m từ xã Yên Vinh đến khu công nghiệp Quang Minh và dự án sửa chữa đường Thanh Tước - Lâm Hộ đều đào đường khi chưa được Sở GTVT Hà Nội cấp phép.
“Ngay sau khi nhận được biên bản sự việc của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu thi công dừng ngay việc đào đường để thi công và hoàn trả mặt bằng để bảo đảm ATGT và thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân, chờ giấy phép của Sở GTVT Hà Nội” - ông Nguyễn Cao Chí nói.
Đối với công trình hạ ngầm đường điện trên đại lộ Thăng Long, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm Nguyễn Xuân Thủy cho hay, trước khi thi công đơn vị đã làm cam kết rõ ràng về việc chấp hành các yêu cầu bảo đảm ATGT trong quá trình thi công.
“Ngay khi có phản ánh của người dân và dư luận, chúng tôi đã kiểm tra, yêu cầu đơn vị phải khắc phục, hoàn trả mặt đường” - ông Nguyễn Xuân Thủy nói.
Có thể thấy hiện các hình thức xử phạt bằng tiền từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng chưa khiến họ “chùn tay”, ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Hà Nội cần vào cuộc làm nghiêm, làm điểm một số trường hợp để răn đe, ngăn ngừa hoạt động “xẻ thịt”, gây hư hại đường giao thông; đồng thời để chấm dứt bức xúc kéo dài trong dư luận Nhân dân.
Việc thi công hầm, móng sâu của tòa nhà cao tầng, gây sụt lún xung quanh cho thấy chủ đầu tư và nhà thầu đã không có biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn. Điều đó cho thấy sự cẩu thả, coi thường quy định của các đơn vị thi công. Không chỉ yêu cầu hoàn trả đường, còn cần phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ phương án thi công, vì rất có thể sau này khi công trình càng dựng lên cao, hiện tượng lún nứt sẽ càng xuất hiện nhiều.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu
Minh Tường