Theo thống kê, tính đến cuối năm 2021 cả nước có hơn 68 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Riêng tại Hà Nội có khoảng 7 triệu xe mô tô, xe gắn máy, trong đó có gần 3 triệu xe mô tô, xe gắn máy cũ sản xuất trước năm 2000.
Dự kiến số lượng xe mô tô, xe gắn máy sẽ còn tăng trong một vài năm tới. Tại các đô thị lớn, phát thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Để từng bước tiến tới giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0, việc kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy trở thành nhu cầu bức thiết, đặc biệt là trong khu vực đô thị.
|
Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy là bước đầu tiên hạn chế ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng. |
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 chính thức yêu cầu xe mô tô, xe gắn máy phải kiểm định khí thải để kiểm soát ô nhiễm.
Việc kiểm định do đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Trong bối cảnh các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang quá tải do mật độ cơ sở không đồng đều tại các địa phương và đại án đăng kiểm sắp xét xử khiến số lượng trung tâm đối diện với nguy cơ đóng cửa ngày càng lớn (dự báo có 91 trung tâm đăng kiểm tại 32 địa phương có nguy cơ dừng hoạt động).
Điều này đặt ra lo ngại về bộ máy đăng kiểm để đáp ứng được số lượng xe mô tô, xe gắn máy khổng lồ hiện nay. Ngoài việc thiếu đăng kiểm viên và còn ít cơ sở đăng kiểm đủ điều kiện hoạt động thì việc chưa có quy định về cơ sở đăng kiểm riêng cho xe mô tô, xe gắn máy cũng trở thành thách thức lớn.
Xét từ góc độ người dân, xe mô tô, xe gắn máy hiện là phương tiện đi lại chính, là “cần câu cơm” của nhiều người lao động. Vì thế, đề xuất kiểm định khí thải sẽ có tác động lớn đến hàng chục triệu xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam và cuộc sống của nhiều người dân. Đặc biệt là lao động nghèo sử dụng xe mô tô, xe gắn máy cũ là phương tiện đi lại, mưu sinh.
Khi thông tin về kiểm định xe mô tô, xe gắn máy được đưa ra, thắc mắc đầu tiên của người dân chính là mức giới hạn về ngưỡng khí thải. Xe nào là vi phạm quy định khí thải, xe nào chất lượng kém cần có chế độ bảo dưỡng sửa chữa hoặc thay thế động cơ? Đây là vấn đề rất cần một quy định rõ ràng.
Trường hợp xe không bảo đảm điều kiện về ngưỡng khí thải sẽ xử lý như thế nào, hoặc có chương trình trợ giá để đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ nát sang xe mới hay không cũng là điều nhiều người dân quan tâm. Chỉ còn hơn 5 tháng kể từ nay đến lúc quy định xe mô tô, xe gắn máy phải kiểm định khí thải chính thức có hiệu lực.
Trong lúc chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia góp ý rằng cần phải khảo sát thực tiễn để đưa ra quy định mức độ chất lượng khí thải với xe mô tô, xe gắn máy.
Đồng thời có lộ trình rõ ràng, thống nhất để người dân nắm rõ quy định, nâng cao hiểu biết về việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ nhằm bảo đảm tiêu chuẩn khí thải và nâng cao chất lượng an toàn phương tiện. Các đơn vị đăng kiểm cũng cần thời gian để kịp chuẩn bị hạ tầng, nhân lực đáp ứng nhu cầu kiểm định.
Theo các chuyên gia, thiết bị đo khí thải khá đơn giản bao gồm một ống lấy mẫu và máy kiểm định nhỏ gọn. Từ năm 2021, Honda Vũ Hoàng Lê (trụ sở chính tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã thí điểm đo miễn phí khí thải xe mô tô, xe gắn máy cho người dân. Vậy nên chăng giao cho các hãng xe phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để kiểm định khí thải cho xe mô tô, xe gắn máy tại các đại lý?
Nếu cơ quan quản lý Nhà nước cấp tem kiểm định, ban hành các quy chế để đại lý có cơ sở thực hiện, tập hợp số liệu, sau đó gửi về cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát thì sẽ giúp rút ngắn thời gian và quá trình kiểm định khí thải cho xe mô tô, xe gắn máy trong thời gian tới.
Huyền Sâm