|
Xe dù đón trả khách trong cây xăng phường Tam Bình, TP Thủ Đức. |
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi Công an TP, TP Thủ Đức và các quận huyện đề nghị kiểm tra, xử lý các vị trí xe đón trả khách sai quy định. Theo rà soát từ Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện còn 60 vị trí dừng đậu, đón trả khách sai quy định (giảm 16 vị trí so với báo cáo tháng 11/2022).
Cụ thể, trên địa bàn quận 5 có 20 vị trí xe đón trả khách sai quy định, tập trung tại các tuyến đường: Lê Hồng Phong, Phó Cơ Điều, Nguyễn Duy Dương, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Tản Đà, Ngô Quyền, Phạm Hữu Chí.
Địa bàn TP Thủ Đức có 14 vị trí, tập trung trên các đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, quốc lộ 1, Võ Chí Công, Liên Phường. Quận 10 có 8 vị trí, tập trung trên các đường: Đào Duy Từ, Lê Hồng Phong, Hoàng Duy Khương.
Quận Tân Bình có 7 vị trí, tập trung ở đường Lý Thường Kiệt, Bàu Cát, Đồng Đen, Hoàng Việt, Trần Triệu Luật, Ba Gia. Huyện Bình Chánh có 1 vị trí; quận Bình Thạnh, Bình Tân cùng có 2 vị trí; quận 12, Tân Phú có 3 vị trí.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề nghị Công an TP, TP Thủ Đức và các quận huyện căn cứ theo danh sách vị trí nêu trên, kịp thời giám sát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Đồng thời, duy trì kiểm tra sát các vị trí có tình trạng dừng đậu, đón, trả khách phát sinh mới (nếu có) hoặc tái hoạt động đối với các vị trí cũ.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý quyết liệt tình trạng bến cóc xe dù. Trong đó, ban hành quy định hạn chế xe khách giường nằm đi vào khu vực trung tâm, với thời gian cấm từ 6 giờ sáng đến 22 giờ.
Trong thời gian tới, các sở ngành TP sẽ tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu đề xuất UBND TP mở rộng thời gian và loại xe khách hạn chế lưu thông vào khu vực trung tâm...
UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp hệ thống giám sát hành trình, xây dựng phần mềm, bổ sung các quy định... để làm cơ sở, kiểm tra xử lý bến cóc xe dù hiệu quả hơn.
Các đề xuất đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất và giao Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Pháp chế nghiên cứu giải pháp quản lý cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật (nếu cần thiết) cho phù hợp tình hình thực tế.