Gian nan tuyến đường dài 1,9km
Dự án đường tránh phía Tây Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc được HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2019. UBND tỉnh phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh 70 tỷ đồng, ngân sách huyện Đại Lộc cân đối bố trí đầu tư phần còn lại của dự án. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2019 - 2023.
Tuy nhiên, chủ đầu tư là UBND huyện Đại Lộc đã có tờ trình xin được gia hạn thời gian thực hiện dự án vào năm 2023. Nguyên nhân được đưa ra do nguồn vật liệu đất đắp đảm bảo chất lượng trên địa bàn khan hiếm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Tháng 7/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất chủ trương gia hạn thời gian hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác dự án đường tránh phía Tây Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc đến hết năm 2025, gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng thi công xây lắp đến ngày 30/9/2025.
UBND huyện Đại Lộc có trách nhiệm tăng cường, tập trung chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để tiếp tục triển khai thi công đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, dự án đã thi công cơ bản hạ tầng kỹ thuật khoảng 500m đường và chờ thời điểm nắng ráo để tiến hành thảm nhựa. Đoạn đầu tuyến đã thảm nhựa được 100m. Trong khi đó, dự án đang thiếu đất đắp khoảng 1km kèm theo điều kiện thời tiết mưa nên chưa thể triển khai thi công.
Đoạn cuối tuyến và giáp với đầu tuyến còn vướng mặt bằng, đa phần nhà dân chờ khu tái định cư nên chưa thể triển khai thi công.
Sau gia hạn là điều chỉnh tăng vốn
Cuối năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh phía Tây Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Theo đó, tổng mức sau điều chỉnh là 148,4 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 80,8 tỷ đồng; chi phí xây dựng 56,6 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 1,13 tỷ đồng; chi phí tư vấn 3,19 tỷ đồng; chi phí khác 3,5 tỷ đồng và chi phí dự phòng 2,9 tỷ đồng. Như vậy, dự án đã tăng vốn lên 48,4 tỷ đồng so với trước đây do phải bổ sung chi phí bồi thường GPMB.
Lý giải về việc tăng vốn, chủ đầu tư cho biết khi lập tổng mức đầu tư ở bước dự án, đơn vị tư vấn khái toán trên cơ sở khảo sát diện tích đất ảnh hưởng, vật kiến trúc, cây cối của người dân bị thiệt hại dựa trên tổng diện tích đất trong phạm vi thực hiện dự án với đơn giá quy định tại thời điểm khảo sát. Nhưng khi triển khai thực hiện, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. Quá trình kiểm kê thực tế tại hiện trường, giá trị thiệt hại của người dân cũng lớn hơn so với dự kiến ban đầu.
Ông Lê Phước Huyền - Giám đốc Ban Quản lý dự án và trật tự xây dựng huyện Đại Lộc, cho biết có 3 nguyên nhân dẫn đến việc dự án chậm tiến độ gồm công tác đền bù, GPMB chậm; thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp; chi phí tăng cao theo thời gian. Đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp đẩy nhanh hoàn thiện khu tái định cư để bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2025.
“Nguồn vật liệu đất đắp nhà thầu đã đảm bảo được khoảng 2/3 khối lượng cho dự án. Công tác GPMB được hơn 80%, chỉ còn vướng khu tái định cư. Khối lượng so với hợp đồng đạt 50% nhưng sẽ cải thiện sau khi thời tiết nắng ráo” - ông Huyền chia sẻ.
Đại diện nhà thầu Công ty Cổ phần 6.3 cho biết chi phí tăng của dự án không liên quan đến phần xây lắp. Tuy nhiên công trình đang thiếu một lượng lớn đất đắp để phục vụ thi công do mỏ khu vực Đại Nghĩa đã hết hạn.
Hiện dự án còn vướng khoảng 20 hộ dân đang chờ khu tái định cư. Chủ đầu tư cam kết đầu năm 2025 sẽ bàn giao. Vì vậy nếu thời tiết ủng hộ thì dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Tấn Việt