Hà Nội: Thiếu trầm trọng khu vui chơi công cộng

THÀNH LUÂN - HỒNG MINH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều người dân phải chơi cầu lông trên vỉa hè, trẻ con phải đá bóng dưới gầm cầu gây mất an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông. Trong khi đó, trên địa bàn lại tồn tại những khu vui chơi, công viên xuống cấp trầm trọng, bỏ không.

 

Thiếu trầm trọng khu vui chơi

Tại khu vực phía trước cửa của Đại sứ quán Nhật (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) hàng ngày cứ 4 giờ chiều là khoảng thời gian nhu cầu hoạt động thể dục, thể thao của người dân. Với khoảng sân có chiều rộng hơn 10m, từng nhóm đủ độ tuổi từ người già, đến người trẻ căng lưới đánh cầu lông, tập xe đạp, đi dạo…

Ha Noi: Thieu tram trong khu vui choi cong cong  - Hinh anh 1
 Người dân tập thể dục, thể thao trên phần vỉa hè trước cửa Đại sứ quán Nhật.

Ông Đỗ Hà Lâm (quận Ba Đình) chia sẻ, nhóm của ông gồm những người bạn đã nghỉ hưu dùng phần vỉa hè tại đây chơi cầu lông đã ngót nghét 10 năm. Việc tập thể dục, thể thao tại khu vực này là bất đắc dĩ do địa phương thiếu khu vui chơi công cộng, mặc dù biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

“Tôi chơi cầu lông ở đây từ năm 2007 đến nay đã được 16 năm, chơi ở đây cũng khá bất tiện. Nên nếu quận Ba Đình có xây sân chơi công cộng phục vụ Nhân dân, phải đóng góp tiền xây dựng sân chơi thì chúng tôi cũng đồng ý” – ông Lâm nói.

Tiếp đó, tại khu vực gầm cầu Ngã Tư Sở (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) theo hướng Tây Sơn – Nguyễn Trãi thời gian gần đây có tình trạng 1 nhóm học sinh tụ tập đá bóng. Mặc dù đã có rào chắn thế nhưng nhóm học sinh này thường chui thông qua lỗ trên hàng rào bị cắt hoặc trèo qua để có thể đá bóng.

Em Nguyễn Anh Khoa (quận Đống Đa) chia sẻ, khu vực gầm cầu được cả nhóm sử dụng làm nơi đá bóng đã nhiều năm, vì xung quanh nhà không sân chơi và gần như điều kiện kinh tế không đủ cho việc thuê sân.

“Khi đá bóng ra ngoài bọn em rất sợ nhưng vẫn phải chạy ra nhặt dù xe cộ đi lại rất đông. Vì là học sinh nên không phải lúc nào cũng có tiền để tự thuê sân nên bọn em rất mong được xây khu vui chơi có khoảng sân để đá bóng thoải mái” – em Khoa nói.

Đáng nói hơn, mặc dù có rào chắn nhưng khoảng cách khe hở tương đối rộng nên bóng có thể dễ dàng bay ra ngoài đường. Thêm nữa việc các em chạy ra để nhặt bóng cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nguy hiểm cho chính bản thân và người đi đường.

Công viên bỏ không, nhếch nhác

Trong khi người dân nội thành Thủ đô phải hoạt động vui chơi, thể dục thể thao trên vỉa hè, dưới gầm cầu đối mặt với vô vàn nguy hiểm, thì mặt khác nhiều công viên được đầu tư hàng tỷ đồng lại không bảo trì thường xuyên, các hạng mục gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.

Ha Noi: Thieu tram trong khu vui choi cong cong  - Hinh anh 2
Cổng vào công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai).

Có thể kể đến công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) là công trình chào mừng 990 năm Thăng Long – Hà Nội (1010 - 2000) và kỷ niệm 55 năm Cách mạng tháng Tám, nằm ở vị trí “đắc địa” rộng 6.000m2, từng là điểm đến lý tưởng của người dân trong khu vực. Song hiện nay công viên đang “hoang hoá” nghiêm trọng khi đa số các hạng mục hư hỏng, xuống cấp.

Theo ghi nhận của phóng viên Giaothonghanoi sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, cổng chính của công viên đã chằng chịt những quảng cáo dán tường; đường ven hồ nứt vỡ, sụt lún; lan can hoen gỉ; những nắp cống bê tông hở miệng, vỡ nát nằm khắp nơi.

Ha Noi: Thieu tram trong khu vui choi cong cong  - Hinh anh 3
 Công trình kỷ niệm đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều khu vực vườn hoa của công viên người dân còn chiếm dụng làm nơi tập kết vứt, đốt rác thải sinh hoạt. Khu vực nhà vệ sinh công cộng hư hỏng không thể sử dụng bị quây lại làm nơi trồng rau. Toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng ở trong công viên đã cháy hoặc vỡ.

Ha Noi: Thieu tram trong khu vui choi cong cong  - Hinh anh 4
 Phần lan can dọc bờ hồ đã xuống cấp, sụt lún gây nguy hiểm cho người lớn và trẻ nhỏ

Bà Ngô Thuỳ Linh (quận Hoàng Mai) cho biết, ban ngày còn có người tập thể dục, nhưng tối đến những người dân xung quanh không dám vào do công viên đã xuống cấp trầm trọng nhiều, các cột đèn đều đã hư hỏng nặng không được thay mới.

“Ban ngày còn có người đi tập thể dục, đánh cầu lông,… chứ ban đêm không ai dám đi, vì đèn hư hỏng nặng, nắp công vỡ nằm rải rác khắp nơi nguy hiểm vô cùng. Công viên rất đẹp nhưng không được tu sửa thường xuyên nên ngày càng hư hỏng nặng nề, ai cũng thấy tiếc nuối” – bà Linh chia sẻ.

Ha Noi: Thieu tram trong khu vui choi cong cong  - Hinh anh 5
 Vỡ nát, bong tróc, hoen gỉ, mất vệ sinh xung quanh khuôn viên công viên Bắc Linh Đàm.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, trong những năm vừa qua các khu đô thị của chúng ta phát triển rất mạnh mẽ, có quy hoạch sử dụng đất vào việc xây công viên. Nhưng khi giao cho các địa phương triển khai thì lại gặp các vấn đề như doanh nghiệp chậm giải phóng mặt bằng do chưa thấy được sự thiết thực trong việc xây khu vui chơi công cộng hoặc các cấp chính quyền “buông lỏng” kiểm tra, rà soát… dẫn đến việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

“Không thể phủ nhận trong 20 năm qua, đất nước phát triển về mọi mặt, các khu đô thị mọc lên, hạ tầng thay đổi nên chắc chắn sẽ có một số lỗi khách quan. Để các dự án có thể triển khai, đưa vào sử dụng được, các cấp chính quyền như UBND TP Hà Nội cần vào cuộc. Nếu nguyên nhân khách quan cần tập trung tháo gỡ cơ chế, chính sách để có thể hoạt động. Bên cạnh đó, đối với các nguyên nhân chủ quan chính quyền địa phường phải đưa ra cảnh báo, đôn đốc, cương quyết xử lý để các dự án công cộng được triển khai, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân” – ông Nguyễn Thế Điệp chia sẻ.

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 2.200 khu vui chơi cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Với gần 70 công viên và vườn hoa, nhưng có khoảng 10 công viên bị bỏ hoang, thế nhưng có tới 40% các điểm vui chơi này hệ thống trang thiết bị xuống cấp không được thay mới, tu sửa trong nhiều năm.

Tin liên quan