Bao giờ còi xe thôi kêu?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Những ai từng đi nước ngoài đều có chung một cảm nhận, ở nhiều TP hầu như không hề có tiếng còi xe. Mà cũng không cứ nước ngoài, so sánh với một vài TP trong nước, như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì Hà Nội cũng “vượt trội” về tiếng còi xe. Không quá lời khi nói rằng, người điều khiển phương tiện giao thông ở Hà Nội đang lạm dụng thái quá thứ tín hiệu chỉ dùng trong trường hợp cần thiết này.

Bao gio coi xe thoi keu? - Hinh anh 1
Sử dụng còi xe không đúng lúc sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Ảnh: Hải Linh

Không cần phân tích sâu xa, ai cũng thấy sự phản cảm của tình trạng lạm dụng còi xe trong TP. Nặng thì không ít trường hợp ông già bà cả, phụ nữ yếu bóng vía giật mình vì tiếng còi quá to mà ngã xe, xảy ra tai nạn. Nhẹ thì cũng là một cảm giác khó chịu vì bị tiếng còi xe “vô duyên vô cớ” làm phiền cái lỗ nhĩ. Đường đông, nhiều người đi ẩu bấm còi đã đành. Tệ nhất là khi hoàn toàn không có lý do gì để nhấn còi, người ta vẫn sử dụng, thậm chí dùng còi xe như một cách để vi phạm luật giao thông và thúc ép người khác làm theo mình.

Người đi xe máy nhiều ở Hà Nội chắc hẳn có lần đang dừng trước đèn đỏ nơi ngã tư đường phố bất chợt nghe tiếng còi xe giục giã phía sau. Thì ra đó là một người vì nóng ruột mà muốn vượt đèn đỏ, nhấn còi để người đỗ trước cũng làm theo mình. Nếu không chấp nhận sự rủ rê đó, dễ “được” tặng một câu gắt gỏng, kiểu không đi thì tránh cho người khác đi. Chí ít cũng là một cái nhìn không mấy thiện cảm. Mà mình thì có làm gì nên tội?

Một trường hợp khác cũng hay gặp. Đó là rõ ràng mình đang đi bộ trên hè, nơi dành cho người đi bộ. Vậy mà bỗng nhiên sau lưng vang lên những tiếng còi xe gay gắt. Thì ra mấy bạn trẻ thấy dưới lòng đường xe đông, vượt lên hè để đi cho nhanh. Và người phạm luật đã bấm còi, “xử lý” người đang chấp hành luật một cách nghiêm túc.

Đó là chưa kể tình trạng sử dụng còi không đúng quy định, như dùng còi hơi trong nội đô, nhấn còi khi đi ngang bệnh viện, dùng còi ưu tiên một cách vô lối… Rõ ràng, văn hóa dùng còi ở ta, mà cụ thể là của người Hà Nội đang có vấn đề.

Trở lại câu chuyện dùng còi ở các nước. Ngay như chuyện dùng còi của người dân ở hai thủ đô của hai nước bạn rất gần ta là Vientian và Phnom Penh cũng là một tấm gương cho người Hà Nội phải học theo. Không ít người Việt Nam, người Hà Nội sau khi thăm hai TP này đã phải trầm trồ mà ước ao: Bao giờ TP mình mới vắng tiếng còi xe như trên đất bạn?

Ước thì ước vậy, nhưng cũng phải biết rằng, để hạn chế tiếng còi phản cảm như đã nêu ở trên thì không chỉ cần xây dựng văn hóa dùng còi. Mà văn hóa dùng còi lại phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa giao thông, đến lượt văn hóa giao thông lại phụ thuộc không ít vào cơ sở hạ tầng... Ví như người ta không thể không nhấn còi khi phía trước mũi xe là người đi bộ cứ thoải mái, vô tư đi dưới lòng đường. Trong khi đó người đi bộ, dù muốn cũng không thể đi lên vỉa hè vì cái chỗ đáng ra dành cho người đi bộ đã được sử dụng vào việc khác. Và cứ như vậy, câu chuyện về việc sử dụng còi ở Hà Nội và một số TP ở Việt Nam dễ rơi vào cái vòng luẩn quẩn kiểu “con kiến mà leo cành đa…”.

Mặc dù vậy, vẫn rất cần phải nhắc nhau một điều: Người có văn hóa phải sử dụng còi một cách có văn hóa. Điều này dù ở một TP đất chật, người đông, hạ tầng giao thông chưa mấy phát triển như Hà Nội vẫn có thể thực hiện được. Bằng cớ là ngày càng có nhiều người Hà Nội không đồng tình với thói quen lạm dụng còi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và chỉ nhấn còi khi thật sự cần thiết.

Phương Quang/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan