Bất cập quanh biển báo, đèn tín hiệu giao thông: Sẽ sớm được khắc phục

 
Chia sẻ

Biển báo, đèn tín hiệu giao thông nhằm chỉ dẫn người tham gia giao thông thực hiện đúng luật, bảo đảm an toàn khi lưu thông trên các tuyến đường. Tuy nhiên, trên thực tế ở Hà Nội vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành theo tổ chức giao thông của cơ quan chức năng. Nguyên nhân một phần xuất phát từ ý thức, ngoài ra còn do biển báo và đèn tín hiệu còn thiếu hoặc chưa phù hợp…

Bat cap quanh bien bao, den tin hieu giao thong: Se som duoc khac phuc - Hinh anh 1
Tại đầu đường Trần Thái Tông, sự có mặt của biển báo cấm rẽ dường như không có tác dụng.

Sớm khắc phục bất cập

Lưu lượng các phương tiện đổ dồn về Thủ đô đang có xu hướng gia tăng mạnh khiến sức ép giao thông ngày càng lớn. Ở các trục đường giao thông, việc cắm biển báo, chỉ dẫn giao thông, đèn tín hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm hạn chế ùn tắc và tránh việc người dân vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, trên địa bàn Hà Nội việc bố trí biển báo giao thông, đèn tín hiệu còn tồn tại nhiều bất cập.

Khu vực ngã tư thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh là một ví dụ. Tại khu vực này, do thiếu biển cảnh báo nguy hiểm, cộng thêm ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế… đã khiến nơi đây có thời điểm đã trở thành “điểm nóng” về giao thông với những vụ va chạm, tai nạn nghiêm trọng. Theo ghi nhận, khu vực nút giao này có mặt cắt khá rộng, đã được các ngành chức năng lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu. Tuy nhiên, do có lưu lượng xe tải, xe container di chuyển lớn, khi dừng chờ đèn đỏ, người tham gia giao thông thường bị che khuất tầm nhìn.

Bởi vậy, chỉ sơ sảy một chút hoặc nếu phóng nhanh vượt ẩu, tai nạn sẽ xảy ra. Được biết, để xóa “điểm nóng” giao thông này, Đội CSGT, Công an huyện Đông Anh đã kiến nghị các đơn vị chức năng tổ chức sơn lại vạch kẻ đường, gờ giảm tốc, bổ sung biển báo “Khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn” để cảnh báo người tham gia giao thông. Đặc biệt kiến nghị các đơn vị có chức năng xem xét bố trí làn đường dành riêng cho các phương tiện rẽ phải từ QL3 vào Cao Lỗ và ngược lại.

Cũng nằm ở vị trí ngoại thành, QL 21B đoạn đi qua thị trấn Vân Đình, xã Vạn Thái và Hòa Nam cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn do các khúc cua, điểm giao cắt chưa được bố trí lắp đặt đèn tín hiệu. Chẳng hạn, ở đoạn qua xã Vạn Thái dù mặt đường chỉ rộng khoảng 7m, kéo dài khoảng 2km, nhưng khu vực này có tới 3 khúc cua và nằm sát khu dân cư. Một số vị trí khúc cua thuộc km27 và km28 gần đền Đức Thánh Cả và Chùa Thái Đường, xã Vạn Thái thường xuyên có lưu lượng phương tiện giao thông cao, tồn tại nhiều đường giao cắt dân sinh… song chỉ được lắp đặt một số biển cảnh báo mà thiếu đèn tín hiệu.

Tại khu vực nội thành, theo ghi nhận, trước cổng Bệnh viện K Tân Triều, do nằm trên trục đường 70, lưu lượng phương tiện qua lại với tần suất cao nhưng đoạn này lại thiếu đèn tín hiệu. Theo ghi nhận, do mặt đường khá hẹp, nên khi có xe đưa cán bộ, nhân viên và bệnh nhân ra vào, các phương tiện chạy hai chiều đều phải nhường đường. Ngoài ra, dù đã được bố trí cầu vượt sát lối vào Bệnh viện nhưng nhiều người vẫn chọn cách “cắt” dòng phương tiện để sang đường. Hệ lụy nhãn tiền là cảnh ùn tắc giao thông cục bộ vẫn thường xảy ra.

Ngoài ra, tại nút giao cắt trục Khâm Thiên, hướng đi Nguyễn Lương Bằng thời điểm tan tầm cũng thường xuyên xảy ra xung đột giao thông. Tại đây, nhiều người tham gia giao thông cho biết, đèn chờ tín hiệu thiếu hợp lý không phù hợp với đặc thù lưu lượng phương tiện hiện tại với thời gian chờ quá dài, thường là khoảng gần 1 phút. Hệ lụy là, dòng xe đi thẳng được giải phóng, hàng loạt xe hướng giao Xã Đàn đi La Thành rẽ phải vẫn “nhấp nhổm”, chen lấn nhau, chiếm cả làn đường bên cạnh khiến giao thông liên tục bị gián đoạn.

Còn phụ thuộc cả vào ý thức

 Những bất cập quanh biển báo, đèn tín hiệu là hẳn nhiên song tại nhiều khu vực người tham gia giao thông thiếu ý thức, không tuân thủ sự điều tiết khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp. Nút giao Nguyễn Chí Thanh với Phạm Huy Thông và Nguyên Hồng với La Thành là một ví dụ. Theo đó, tại khu vực này, các ngành chức năng đã và đang thực hiện điều chỉnh giao thông theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Tại thời điểm ghi nhận của phóng viên, đa số người tham gia giao thông đã chấp hành và thực hiện tốt thông báo của Sở, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông cố tình vi phạm, gây ra cảnh hỗn loạn tại các nút giao này.

Bat cap quanh bien bao, den tin hieu giao thong: Se som duoc khac phuc - Hinh anh 2
Nút giao Nguyễn Chí Thanh với phố Phạm Huy Thông lộn xộn bởi những chủ phương tiện không chấp hành biển báo.

Chẳng hạn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm các phương tiện đi thẳng và rẽ trái hướng đi từ ngõ 41 Nguyễn Chí Thanh (đường vào Đài Truyền hình Việt Nam) vào phố Phạm Huy Thông và cấm đi một chiều đường Nguyên Hồng (hướng đi từ ngõ 7 Nguyên Hồng đến đường La Thành). Thế nhưng, hễ vắng bóng kiểm soát của lực lượng chức năng, một số phương tiện vẫn ngang nhiên vi phạm.

Còn tại nút Phạm Văn Bạch – Tôn Thất Thuyết, dù các lực lượng chức năng đã bố trí một vòng xuyến lớn tại nút giao. Theo quy định, các phương tiện tham gia giao thông phải đi theo vòng xoay về bên trái và khi cần thoát ra về bên phải. Tuy nhiên, nhiều phương tiện vẫn cố tình vi phạm. Khi không có lực lượng CSGT, một số phương tiện hướng đi Trung Kính vẫn cố tình đi ngược chiều vào phần đường dành cho các phương tiện rẽ phải từ phố Phạm Văn Bạch vào Công viên Cầu Giấy, gây cản trở cho các phương tiện di chuyển đúng quy định.

Khách quan nhìn nhận, muốn xây dựng một xã hội có giao thông trật tự, tuân thủ đúng pháp luật, trước hết, việc bổ sung và điều chỉnh hệ thống biển báo và đèn tín hiệu giao thông là hết sức cần thiết. Song bên cạnh công tác nâng cấp hạ tầng, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân cũng cần được nâng cao.

Mỗi người tham gia giao thông cần tự ý thức việc chấp hành quy định và phân làn, luồng, tuyến theo hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông… Tuyệt đối khắc phục tâm lý chống đối, chấp hành “nửa vời” hoặc chỉ chấp hành khi có lực lượng chức năng. Chỉ có đồng bộ về hạ tầng và nâng cao ý thức như vậy, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông mới được giảm thiểu.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đơn vị đang triển khai xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 8/2016 ban hành Quy chuẩn quốc gia 41 về báo hiệu đường bộ. Theo đó, sau một thời gian thực hiện, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đã bộc lộ nhiều nội dung còn bất cập, một số quy định về biển báo, khái niệm xe tải, xe con, đèn vàng… chưa rõ ràng khiến cho công tác thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng thêm phần khó khăn.

Theo kế hoạch, Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn 41 lần này cũng sẽ sửa đổi một số nội dung theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn như giải thích rõ hơn về biển báo Khu đông dân cư; giải thích rõ hơn về quy định treo biển trên giá long môn, cột cần vươn; vạch sơn phân chia làn thô sơ và làn cơ giới; bổ sung vạch sơn 1 nét liền, 1 nét đứt để phân chia các làn xe cùng chiều; cách bố trí biển số R.412 - Làn đường dành riêng cho từng loại xe; biển chỉ dẫn lối đi khi đặt biển cấm.

Theo Lao động Thủ đô

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h