Hiệu quả từ 10 tổ công tác đặc biệt

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Việc bố trí 10 tổ công tác đặc biệt, tuần tra, kiểm soát phủ kín địa bàn đã phát huy tác dụng trong cả xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và phòng ngừa tội phạm. Qua đó, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người dân.

Phủ kín địa bàn

Ngày 13/5/2024, Công an TP Hà Nội ban hànhKế hoạch số 172/KH-CAHN, thành lập 5 tổ công tác đặc biệt  gồm: Cảnh sát giao thông (CSGT), Cảnh sát cơ động tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn các quận.

Việc triển khai 5 tổ công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm tại các nút giao trọng điểm nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân; bước đầu tạo được yếu tố đột xuất, bất ngờ, có tính trấn áp cao với các đối tượng vi phạm, đặc biệt đối với những thanh niên ngổ ngáo, ngang nhiên vi phạm trong khung giờ cao điểm sáng, chiều...  

Từ hiệu quả của 5 tổ công tác ban đầu, tiếp đó, từ ngày 9/7/2024, Công an TP Hà Nội tiếp tục thành lập thêm 5 Tổ công tác đặc biệt nâng tổng số tổ công tác đặc biệt lên 10 tổ. Các tổ tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, như: người điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp vi phạm TTATGT.

Hieu qua tu 10 to cong tac dac biet - Hinh anh 1
Tổ công tác đặc biệt ứng trực tại các ngã ba, ngã tư đường phố.

Bên cạnh đó, thông qua tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhiều vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự đã được tổ công tác phát hiện, bắt giữ và bàn giao công an sở tại xử lý; góp phần đấu tranh  hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông.

Đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong tháng 9/2024, các tổ công tác đặc biệt đã xử lý 4.780 trường hợp vi phạm, phạt tiền 3,6 tỷ đồng, tạm giữ 1.024 phương tiện, tước 178 GPLX. Các hành vi vi phạm trọng tâm được xác định tại kế hoạch là vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm 4.502 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông 44 trường hợp; đi ngược chiều 143 trường hợp; chở quá số người quy định: 47 trường hợp. Đồng thời, tổ công tác đặc biệt phát hiện 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao cho công an TP Hà Nội tiếp nhận, xác minh làm rõ (1 vụ việc hình sự, 2 vụ việc ma túy, 1 vụ phương tiện không rõ nguồn gốc).

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTG, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Tháng cao điểm an toàn giao thông năm 2024, các tổ công tác đặc biệt tập trung xử lý các hành vi vi phạm trong độ tuổi học sinh, qua đó phát hiện và xử lý nhiều trường hợp các em học sinh vi phạm. Ngoài việc xử phạt hành chính, Công an sẽ gửi thông báo vi phạm đến các trường học để phối hợp với nhà trường, gia đình, có biện pháp quản lý, giáo dục các học sinh vi phạm.

Từ 5/9/2024 đến nay, 10 tổ công tác đặc biệt đã xử lý 425 trường hợp học sinh vi phạm TTATGT, tạm giữ 161 phương tiện các loại, trong đó, vi phạm về quy định đội mũ bảo hiểm là 352 trường hợp.

Ngăn chặn nhiều vụ án hình sự

Điển hình, trong ngày 21/9/2024, các tổ công tác đặc biệt đã liên tiếp phát hiện 2 vụ việc, bắt giữ 4 đối tượng, tang vật thu giữ gồm 2 xe mô tô, 3 túi zíp chứa chất ma túy và các dụng cụ dùng để phá khóa xe.

Cụ thể, khoảng 9h20 ngày 21/9, Tổ công tác đặc biệt số 1 do Trung tá Nguyễn Văn Hải (Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 1) làm tổ trưởng, quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) thì phát hiện hai người đàn ông điều khiển xe máy BKS: 29T5 - 1557 lưu thông trên đường có biểu hiện đáng ngờ nên nhanh chóng dừng phương tiện.

Tại chốt kiểm tra, người đàn ông điều khiển xe máy không xuất trình được giấy phép lái xe cũng như đăng ký xe, nét mặt lo lắng... qua kiểm tra tổ công tác phát hiện nhiều vam phá khoá mà các đối tượng trộm cắp thường sử dụng khi đi "ăn hàng". Ngoài ra, biển số 29T5 - 1557 cũng không phải là biển kiểm soát của xe máy mà các đối tượng sử dụng.

Danh tính 2 người đàn ông được làm rõ là N.V.L (SN 1972; đã có 2 tiền án); người đi cùng là  M.H.C. (SN 1980). Đối tượng L. khai nhận đã ăn trộm chiếc xe máy trên hôm 17/9/2024 tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh sau đó thay BKS: 29T5 - 1557 vào để sử dụng. L. không ngờ khi mang xe ăn trộm được về Hà Nội thì lại bị phát hiện, bắt giữ.

Tiếp đó, khoảng 15h50 cùng ngày, Tổ công tác đặc biệt số 5, do Trung tá Nguyễn Văn Chính (Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 5) làm tổ trưởng, làm nhiệm vụ trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) phát hiện 1 người đàn đông điều khiển xe mô tô BKS 14B1 - 130xx, sau xe chở 1 phụ nữ không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông nên đã tiến hành dừng, kiểm tra. Làm việc với Tổ công tác, người điều khiển xe tự giao nộp 3 túi nilon dán kín miệng (túi zíp) trong đó 2 túi chứa chất tinh thể màu trắng, 1 túi chưa 5 viên nén màu hồng, nghi là ma túy đá và ma túy tổng hợp.

Danh tính người đàn ông điều khiển xe được làm rõ là N.Đ.L, sinh năm 1988, đăng kí thường trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, phụ nữ ngồi sau là D.T.N.A, sinh năm 1995, thường trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Khai nhận với Công an, đối tượng L. cho biết trong các túi zíp nêu trên là ma túy đá và ma túy tổng hợp (thuốc lắc) được các đối tượng mua về để sử dụng. Hiện vụ việc được bàn giao cho Công an cơ sở để điều tra, xử lý theo quy định.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo phương châm: kiên trì, bền bỉ, quyết liệt xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm..., đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng "văn hóa giao thông", tạo lập thói quen và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Phạm Công

Tin liên quan