Thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để có văn hóa giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chỉ một phút nóng giận sau va chạm giao thông, việc cự cãi, ẩu đả, hành hung đã khiến có người mất mạng, kẻ vướng vòng lao lý. Từ một số vụ việc va chạm giao thông tại Hà Nội gần đây cho thấy, phải chi đừng giận quá mà mất khôn.

Va chạm nhỏ, hậu quả lớn

Ngày 3/3, xuất phát từ mâu thuẫn trên đường phố thuộc phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), một nhóm thanh, thiếu niên đã dùng gậy, xẻng đánh gục người đi đường.

Công an quận Hai Bà Trưng sau đó đã xác minh, triệu tập 18 đối tượng thuộc 2 nhóm thanh, thiếu niên có liên quan đến vụ đánh nhau trên.

Nguyên nhân được xác định do va chạm, 2 nhóm thanh, thiếu tuổi từ 15 – 19 đã chửi bới, dẫn đến đuổi đánh nhau qua một số tuyến đường Phố Huế - Nguyễn Công Trứ - Thi Sách - Lò Đúc - Phạm Đình Hổ.

Thuong ton phap luat la nen tang can ban de co van hoa giao thong - Hinh anh 1
Đối tượng Trần Duy Quang bị bắt giữ và khởi tố

Ngày 4/3, cũng từ một va chạm nhỏ trên phố Tô Ngọc Vân (phường Quảng An, quận Tây Hồ), tài xế xe taxi G7 – ông L.T.X (sinh năm 1980, quê Thái Nguyên) và Trần Duy Quang (21 tuổi, quê Thanh Hoá) đã xảy ra tranh cãi.

Anh T. sau đó mở cốp xe lấy ra một vật dài khoảng 40cm, đuổi đánh Quang. Quang giơ tay lên đỡ và đấm lại, cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu anh T. Khi được người dân can ngăn, 2 bên lên xe rời đi. Anh T khi về nhà thì yếu dần được đưa đến bệnh viện cấp cứu, đến chiều 5/3 thì tử vong do chấn thương sọ não.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ Trần Duy Quang về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, theo khoản 4 Điều 134 BLHS, để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Gần đây nhất, ngày 6/3, sau cú va chạm giao thông giữa ô tô con và xe máy lưu thông trên phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm), nữ tài xế L.H.T. (SN 1988, ở Tây Hồ) và nam thanh niên đi xe máy N.V.A. (SN 1999, ở quận Bắc Từ Liêm) đã xảy ra cự cãi. Chị T tự xưng là cháu của một lãnh đạo ngành công an, sau đó đã lớn tiếng mắng chửi và có ý định hành hung anh V.N.A.

Nhận được tin báo từ người dân, CSGT đội 6 Công an TP Hà Nội đã có mặt giải quyết. Lực lượng chức năng đã xác định chị L.H.T không có bất kỳ quan hệ gì với Bộ trưởng Bộ Công an; và vi phạm nồng độ cồn kịch khung 0,573mg/lít khí thở khi đang điều khiển ô tô.

Thượng tôn pháp luật

Từ những vụ việc trên, anh Nguyễn Văn Đều (Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ, các cụ xưa đã dạy  “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Giá như sau khi xảy ra va chạm, hai bên có thể dùng cái tình, cái lý nhẹ nhàng nói chuyện với nhau thì mọi chuyện đã khác.

Theo anh Đều việc sử dụng bạo lực để giải quyết va chạm giao thông sẽ khiến đôi bên đều bất lợi. “Tôi luôn nhắc mình và dặn vợ, khi tham gia giao thông phải thật cẩn thận, khi không may xay ra va chạm phải thật bình tĩnh xử lý, không được giận quá mất khôn dẫn đến hậu quả đáng tiếc” - anh Đều cho hay.

Thuong ton phap luat la nen tang can ban de co van hoa giao thong - Hinh anh 2
Một số đối tượng náo loạn đường phố vụ va chạm giao thông ngày 3/3 trên địa bàn phường Phạm Đình Hổ

Theo Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật sư Hải Thanh, việc cự cãi hay sử dụng vũ lực khi va chạm giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức pháp luật hạn chế, cái tôi quá lớn luôn cho rằng mình đúng hoặc do sĩ diện mà bất chấp đúng sai.

Mỗi người trong xã hội luôn được, cần và phải sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Mọi giá trị trong các văn bản pháp luật là giá trị chung mà toàn xã hội theo đuổi. Do đó, cần lên án cách ứng xử manh động, có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích cho người khác.

Phát biểu tại Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” do TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức cuối năm 2023, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: “Thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để có văn hóa giao thông. Nếu ta có thói quen tìm hiểu, nắm bắt, chấp hành và cao hơn nữa là thượng tôn pháp luật, văn hóa giao thông sẽ hình thành”.

Theo đó, mỗi người hãy góp phần giữ trật tự và xây dựng nét đẹp văn hoá giao thông đô thị bằng cách tham gia giao thông với sự hiểu biết, tính trách nhiệm và tinh thần thượng tôn pháp luật trong mọi tình huống.

Huyền Sâm

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h