|
Xử phạt học sinh vi phạm giao thông |
Thờ ơ và nuông chiều
Cần nhìn nhận thẳng vào một thực tế, là lâu nay rất nhiều bậc phụ huynh không chỉ thờ ơ mà còn nuông chiều thói quen vi phạm luật giao thông, coi thường an toàn bản thân của thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Thiếu đi sự uốn nắn, giáo dục thường xuyên, nghiêm túc từ gia đình, việc xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Ngay từ trong nhận thức, không ít bậc phụ huynh đã coi việc vi phạm giao thông là điều “bình thường”. Thậm chí họ sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng đỗ xe tùy tiện, phóng nhanh, vượt ẩu ngay trước mặt con em mình. Điều đó tác động rất lớn đến nhận thức của thanh thiếu niên, hình thành quan điểm lệch lạc về ý thức và văn hóa giao thông trong các em.
Đó là điều vô cùng nguy hiểm, bởi văn hóa giao thông còn là một bộ phận cấu thành văn hóa ứng xử xã hội, có tác động lớn đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Những hành vi xấu xí trong giao thông mặc nhiên được phụ huynh “thực hành” trước mắt trong thời gian dài sẽ khiến các em trở nên coi thường pháp luật, thiếu tính xây dựng và tinh thần vì cộng đồng.
Bên cạnh sự thờ ơ, thói quen nuông chiều, đôi khi đến mức “mù quáng”, của bộ phận không nhỏ phụ huynh còn trực tiếp đẩy nhiều thanh thiếu niên qua ranh giới mong manh giữa sự “dại dột” và “phạm tội”. Một trong những hành vi đáng lên án nhất của nhiều bậc phụ huynh là giao xe máy, xe mô tô cho con em chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái điều khiển, sử dụng. Không chỉ phó mặc sự an nguy của chính con em mình cho may rủi, các bậc phụ huynh này còn bao che, xin xỏ cho các em khi bị xử lý, xử phạt.
Chính vì vậy nên thời gian qua, hàng loạt thanh thiếu niên đã bị lực lượng chức năng bắt giữ với hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, ATGT; tụ tập thành hội nhóm để cướp giật, hành hung người đi đường dưới nhiều hình thức. Do các em chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật nên không phải chịu những hình thức xử lý nặng. Đồng thời phụ huynh lại tìm mọi cách, sẵn sàng hứa hẹn, cam kết chỉ để giải quyết xong mỗi tình huống rắc rối, nên rất nhanh sau khi bị xử phạt, thanh thiếu niên lại tiếp tục tái diễn vi phạm, thậm chí coi đó như chiến tích đáng để hãnh diện, khoe khoang.
Đau xót nhất là trong nhóm thanh thiếu niên ưu tú, được gia đình và xã hội tạo điều kiện tốt nhất để học hành, tu dưỡng cũng có không ít em thường xuyên vi phạm luật, hoàn toàn không có nhận thức, ý thức về văn hóa giao thông. Có kết quả học tập tốt, hoặc do nhu cầu đi học, nhiều em được gia đình mua cho xe máy, xe máy điện… cho tiền tiêu xài nhưng lại bỏ mặc, không quan tâm giáo dục ý thức.
Có điều kiện, phương tiện, bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên đã trượt dài theo sự đua đòi, bốc đồng, sẵn sàng vi phạm luật, có hành vi xấu xí khi tham gia giao thông mà không hề biết sợ hay nghĩ cho gia đình, xã hội.
Nhà là trường học lớn nhất
Thực trạng nêu trên đã kéo dài rất nhiều năm, để lại vô vàn hậu quả đau xót. Để chấm dứt, mỗi gia đình phải thực sự là một trường học, mỗi bậc phụ huynh phải là một tấm gương gần gũi, tốt đẹp cho thanh thiếu niên.
Điều đầu tiên cần làm các bậc phụ huynh phải gương mẫu chấp hành luật giao thông, tuyệt đối không vi phạm. Đặc biệt là hành vi thản nhiên điều khiển phương tiện bất chấp luật ngay trước mắt thanh thiếu niên, nhi đồng phải chấm dứt ngay và không bao giờ tái diễn. Không có sự giáo dục nào đối với thanh thiếu niên hiệu quả bằng việc nêu gương của các bậc phụ huynh.
|
Nhiều em học sinh còn thiếu hiểu biết về pháp luật giao thông |
Lực lượng chức năng dù có bao nhiêu nhân sự, luật pháp dù nghiêm khắc đến đâu, nhà trường, xã hội dù có bao nhiêu nỗ lực tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cũng không thể bằng sự giáo dục trực quan, nghiêm túc trong mỗi gia đình. Những sự nuông chiều thái quá của các bậc phụ huynh như: giao xe máy, xin xỏ khi vi phạm… cần phải chấm dứt ngay, thay thế bằng sự giữ gìn, nhắc nhở, kiên quyết từ ban đầu.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần thay đổi biện pháp tuyên truyền, tăng cường xử phạt đối với phụ huynh khi để con em mình vi phạm giao thông, trói chặt trách nhiệm của gia đình với xã hội. Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, phương tiện vi phạm sẽ phải chịu hai hình thức xử lý, đó là phạt lái xe và phạt DN, chủ xe.
Với vi phạm giao thông trong thanh thiếu niên cũng cần áp dụng như vậy. Không chỉ với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà với mỗi vi phạm giao thông dù nhỏ nhất vừa phạt cả thanh thiếu niên, vừa phải xử phạt cả phụ huynh. Nếu có thể luật hóa hình thức xử phạt “kép” này sẽ mang đến hai hiệu quả quan trọng. Thứ nhất là gia đình, phụ huynh sẽ nắm được thông tin con em mình vi phạm giao thông để nhắc nhở, chấn chỉnh. Thứ hai là bị xử phạt cùng sẽ tác động mạnh mẽ đến nhận thức của chính các bậc phụ huynh.
Lực lượng chức năng cần được phép gửi thông tin về thanh thiếu niên vi phạm giao thông đến gia đình, khu dân cư để các đoàn thể xã hội, tổ chức, cơ quan nắm được, có biện pháp nhắc nhở phụ huynh. Như vậy sẽ khiến các bậc cha mẹ không thể tiếp tục thờ ơ, bỏ mặc cho con em mình vi phạm giao thông. Mỗi nhà trường đều có “sổ liên lạc” để duy trì thông tin về việc học tập, tu dưỡng trên lớp, thì lực lượng chức năng cũng cần một công cụ tương tự để phản ánh đến phụ huynh về ý thức, văn hóa giao thông của thanh thiếu niên.
Ngoài ra nhà trường, khu dân cư, đoàn thể xã hội cần tiến hành một cuộc rà soát tổng thể nhằm phát hiện những trường hợp thanh thiếu niên được gia đình giao xe khi chưa đủ điều kiện điều khiển. Từ đó có các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục gia đình cũng như các em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, chỉ sử dụng xe cơ giới khi đủ tuổi và được đào tạo để cấp bằng lái.
Nếu pháp luật chỉ nghiêm khắc với thanh thiếu niên mà thiếu đi những chế tài đặc biệt đối với phụ huynh, công tác tuyên truyền không hướng đến ông bà, cha mẹ, anh chị thì còn rất lâu nữa chúng ta mới có thể xây dựng được văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến
(Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội)