Bộ GTVT phản hồi về kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm

THANH TRUNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ GTVT vừa có Văn bản số 10090/BGTVT-KHCN&MT trả lời cử tri TP Hồ Chí Minh về việc cử tri địa phương "kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục có những giải pháp hiệu quả nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm".

Bo GTVT phan hoi ve kien toan va doi moi hoat dong cua linh vuc dang kiem - Hinh anh 1
Bộ GTVT phản hồi về kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm. 

Theo đó, Bộ GTVT cho biết đã có giải pháp củng cố, kiện toàn lĩnh vực đăng kiểm, gồm: đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý khắc phục tồn tại phát sinh trong thời gian vừa qua. Trong đó, Bộ GTVT đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023 ngày 8/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Một số nội dung mới được quy định tại Nghị định số 30/2023 đã thể hiện sự đổi mới, góp phần kiện toàn, đưa hoạt động kiểm định phương tiện đi vào ổn định trong thời gian tới.

Cụ thể: quy định quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép cho các đơn vị đăng kiểm, theo đó việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn, phù hợp kết nối hệ thống giao thông, thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định và không gây cản trở, ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Phân cấp rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc cấp phép, quản lý các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên, trong đó Sở GTVT thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn; Cục Đăng kiểm VN thực hiện công tác quản lý nghiệp vụ chuyên ngành và chịu trách nhiệm thực hiện cấp Chứng chỉ đăng kiểm viên trên phạm vi cả nước.

Quy định rõ hơn về công tác thanh tra, kiểm tra: các Sở GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tại địa phương, Cục Đăng kiểm VN chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước;

Quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm; làm rõ trách nhiệm của Lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ …;


Bổ sung các chế tài xử lý đối với đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên và nhân viên về các hành vi tự đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định, từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định,… gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân;

Tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên để tăng tính răn đe. Tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm nếu để xảy ra sai phạm.

Cùng đó, Bộ GTVT đang xây dựng Đề án "Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm", nhằm giải quyết căn cơ, lâu dài các tồn tại, bất cập và đổi mới công tác quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm VN.

Đề án xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế tài chính, tổ chức, biên chế của Cục Đăng kiểm VN với việc: tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công mà Cục đang thực hiện như hiện nay, theo hướng Cục Đăng kiểm VN chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước; việc tổ chức thực thi công tác đăng kiểm để chủ thể khác độc lập và các cơ quan, đơn vị của địa phương thực hiện.

Tổ chức thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước thông qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị thực hiện công tác kiểm định; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác đăng kiểm; cơ chế tài chính, biên chế của Cục Đăng kiểm VN đúng với mô hình tổ chức của Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ GTVT.

Trong thời gian xây dựng và chưa được ban hành Đề án "Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm", Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo các trung tâm đăng kiểm xác định rõ mục tiêu hoạt động kiểm định là hoạt động cung cấp dịch vụ công, thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới để phục vụ xã hội; xây dựng mới hệ thống phần mềm quản lý kiểm định đồng bộ theo hướng quản lý giám sát công tác kiểm định phương tiện trong thời gian thực (online), đảm bảo tính bảo mật và hạn chế can thiệp, sửa chữa đến kết quả kiểm định phương tiện.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật giá, trong đó đề nghị điều chỉnh quy định về giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới để phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và vận hành khai thác cho đơn vị đăng kiểm, góp phần hạn chế tiêu cực.

Tin liên quan