Đề xuất bổ sung quy định riêng về xe ô tô chở học sinh

BẢO NAM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN và các công ty, hãng xe ô tô tại Việt Nam để hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (thay thế Quy chuẩn QCVN 09:2015/BGTVT).

De xuat bo sung quy dinh rieng ve xe o to cho hoc sinh  - Hinh anh 1
 Đề xuất bổ sung quy định riêng về xe ô tô chở học sinh.

Đáng chú ý, nội dung dự thảo quy chuẩn mới về xe ô tô bổ sung loại hình xe chở học sinh, với những yêu cầu riêng về an toàn kỹ thuật, nhằm bảo đảm an toàn ở mức tốt nhất trong hoạt động vận chuyển học sinh.

Theo đó, xe chở học sinh (school bus) được định nghĩa là xe ô tô chở người chuyên dụng, được thiết kế thành các loại xe chở người để sử dụng vận chuyển không ít hơn 9 học sinh (từ trẻ em mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học) và người quản lý học sinh. Đối với xe chở trẻ em mẫu giáo có số lượng học sinh không quá 45 người; đối với xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở tối đa số lượng học sinh không quá 56 người.

Ngoài các yêu cầu chung của quy chuẩn, xe chở học sinh phải đáp ứng các yêu cầu riêng từ màu sắc nhận diện đến cấu trúc bảo đảm an toàn, hệ thống giám sát bên trong và ngoài xe, hệ thống báo động khẩn cấp.

Về nhận diện bên ngoài, xe chở học sinh phải quy định được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh hai bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Mã xe chở học sinh phải được đánh số và bố trí vị trí nằm hai bên thân xe và phía đằng trước, đằng sau xe chở học sinh.

Trên xe phải có các biển hiệu riêng, mặt sau xe phải có biển báo điện hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe buýt đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Xe phải lắp rào chắn phía trước và phía sau để tạo cấu trúc an toàn khi xảy ra va chạm.


Bên trong xe, từ hàng ghế thứ hai trở đi và được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm; không lắp đặt giá để hành lý bên trên (bố trí khoang để hành lý ở bên ngang xe); bậc lên xuống có tay vịn phù hợp quy chuẩn.

Xe phải có lối thoát hiểm phải được mở từ bên trong hoặc bên ngoài và phải có khóa để đáp ứng việc sơ tán hoặc cứu hộ ra bên ngoài xe trong các tình huống khẩn cấp. Trên xe phải bố trí lắp đặt ít nhất một bộ sơ cứu được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu quốc tế và công tắc cảnh báo khẩn cấp trong các trường hợp đặc biệt; phải được trang bị bình chữa cháy để đề phòng trường hợp hỏa hoạn.

Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh, hành vi của học sinh trên xe. Camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.

Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không quá 15 phút.

Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h, đối với xe buýt là các loại xe BEV, HEV, PHEV, FCEV sử dụng động cơ chạy điện có công suất không nhỏ hơn 9,0 kW/t. Tùy theo kích thước và khối lượng của xe để lựa chọn công suất động cơ cho phù hợp", nội dung dự thảo quy chuẩn.

Bên cạnh xe chở học sinh, dự thảo quy chuẩn mới về xe ô tô cũng bổ sung loại hình: xe nhà ở lưu động (Recreational Vehicle hoặc Motor Caravans: Mobile home), xếp vào nhóm xe ô tô chở người chuyên dụng. Xe nhà ở lưu động cũng phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật riêng từ thiết kế, chế tạo đến kiểm định, để phù hợp với công năng là xe ô tô và không gian sống sinh hoạt cơ bản, được trang bị các thiết bị tối thiểu bao gồm: không gian ngủ và có thể chuyển thành ghế ngồi, thiết bị bếp nấu ăn, thiết bị vệ sinh, bàn, ghế, kho/tủ chứa đồ khác.

Tin liên quan