|
Dự kiến phân cấp cho 4 địa phương quản lý nhà nước về cảng, bến nằm trên tuyến đường thủy quốc gia. |
Khi được ban hành, thông tư là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện phân cấp công tác quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu cho địa phương thực hiện; phát huy vai trò trách nhiệm, tính chủ động của địa phương.
Dự thảo thông tư được lấy ý kiến đến ngày 29/9, nội dung gồm 10 điều, trong đó quy định phạm vi phân cấp là cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa quốc gia (hoặc liên quan đến đường thủy quốc gia) và trách nhiệm cụ thể của UBND cấp tỉnh, Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam trong quá trình triển khai phân cấp.
So với dự thảo lần trước (năm 2022), điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là quy định UBND cấp tỉnh tiếp nhận viên chức, người lao động đang làm việc và cơ sở vật chất trong phạm vi được phân cấp. Đồng thời, lập danh mục cụ thể các địa phương được phân cấp, gồm 4 tỉnh, thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Hải Phòng.
Về phương án cụ thể, dự kiến phân cấp TP. HCM quản lý cảng, bến thủy trên 7 tuyến luồng đường thủy quốc gia hiện đang được ủy quyền và bổ sung 1 tuyến đường thủy chuyên dùng; bàn giao 7 nhân sự cho Cảng vụ ĐTNĐ TP.HCM.
Đối với TP.Đà Nẵng, phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia nằm trọn trong địa giới hành chính của TP.Đà Nẵng (sông Hàn, sông Vĩnh Điện); không bàn giao nhân sự, tài sản.
Đối với TP.Hải Phòng, phân cấp quản lý đối với 7 tuyến, bàn giao 18 nhân sự và một số phương tiện thủy công tác. Với tỉnh Quảng Ninh, dự kiến phân cấp 21 tuyến, bàn giao 73 nhân sự và một số trụ sở cảng vụ đường thủy Trung ương, tài sản khác cho Sở GTVT Quảng Ninh.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam (đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo), qua phân tích các tác động của chính sách, đơn vị chủ trì soạn thảo kiến nghị Bộ GTVT bàn giao nhân sự và các tài sản tương ứng với khối lượng công việc được phân cấp. Quá trình tổ chức thực hiện, cơ quan được phân cấp sẽ tự cân đối, điều chỉnh nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất để đảm bảo hiệu quả quản lý.
Về sự cần thiết xây dựng thông tư, cũng theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam hiện thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; UBND cấp tỉnh, Sở GTVT tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, như: Hiện có 4 Cảng vụ ĐTNĐ khu vực trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý 274/311 cảng và hơn 4.000 bến thủy nội địa nằm rải rác trên các tuyến đường thủy quốc gia, nên ở một số vị trí công tác kiểm tra, chưa được thường xuyên. Cùng với đó, tình trạng bến thủy nội địa hoạt động không phép, hết hạn hoạt động còn tồn tại nhiều (có 1.150/6.429 bến thủy nội địa không phép, chiếm tỷ lệ 18%) do công tác kiểm tra xử lý vi phạm bến thủy nội địa hoạt động không phép còn chưa quyết liệt, triệt để, đặc biệt vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương còn hạn chế.
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện ủy quyền công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa cho một số địa phương. Tuy nhiên, phương án này chưa thực sự phát huy hiệu quả tối ưu, việc thực hiện ủy quyền công tác quản lý cảng, bến vẫn mang tính xử lý sự vụ, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm, tính chủ động của địa phương, chưa đồng bộ trong phạm vi cả nước.