Hà Nội triển khai các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông cho học sinh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thành phố Hà Nội triển khai thí điểm bảo đảm ATGT khu vực trước cổng một số trường học với các giải pháp về hạ tầng và tuyên truyền đổi mới. Dự án hướng tới giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đối với học sinh, qua đó tăng tỷ lệ học sinh tự đến trường.

Cải thiện hạ tầng

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) - giai đoạn 2021 - 2025 do Quỹ Bloomberg tài trợ.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, đào tạo và nguồn lực, mục tiêu của dự án là nâng cao mức độ an toàn giao thông, giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ha Noi trien khai cac giai phap giam thieu tai nan giao thong cho hoc sinh - Hinh anh 1
 Đồ họa mô hình dự kiến áp dụng tại cổng trường Tiểu học Nguyễn Du 

Dự án sẽ thí điểm tại 3 khu vực có điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau. Bao gồm cụm trường Tiểu học, THCS, THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Đại diện Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, hiện nay, đa số trường học đang hoạt động nằm trên các phố chính. Đồng thời, trước cổng trường học còn thiếu các vị trí đỗ xe, đặc biệt là dành cho phụ huynh học sinh. Điều này khiến giờ đưa, đón con em đi học thường xảy ra ùn tắc tại khu vực cổng trường, ảnh hướng đến phụ huynh, học sinh và cả những người dân xung quanh.

Bên cạnh đó, khu vực cổng trường học chưa hình thành được hệ thống các tuyến đường riêng dành cho đối tượng yếu thế, ví dụ như là đường đi bộ, đường dành riêng cho xe đạp và sau đó là xe máy. Lối đi bộ thường hay bị chiếm dụng để kinh doanh hoặc đỗ xe gây lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông.

Chính vì vậy, dự án nghiên cứu làm lối đi bộ cho học sinh sang đường được thuận tiện, an toàn tại khu vực cổng trường học. Dự án sẽ tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông với các lối đi bộ sang đường tại khu vực trường học bằng sơn kẻ vạch màu trắng, nền vàng và biển báo.

Cũng theo đại diện Ban ATGT TP Hà Nội, nguyên tắc của thiết kế đường phố an toàn nói chung và cho khu vực trường học nói riêng là ưu tiên đối tượng yếu thế, ưu tiên sự di chuyển của con người hơn phương tiện. Cụ thể ở đây là ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.


Dự án cũng sẽ thu hẹp làn di chuyển của các phương tiện cơ giới nhằm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học. Đồng thời mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng, hấp dẫn cho học sinh.

Cùng với đó là tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh trước khu vực cổng trường học, tạo không gian phù hợp cho phụ huynh chờ đón học sinh có trật tự và khoa học, tránh sự lộn xộn trong giờ đưa đón học sinh ở trước cổng trường.

Dự án còn tạo đảo giao thông kết hợp điểm dừng chân cho người đi bộ sang đường, bố trí làn đường dành cho học sinh đi xe đạp qua nút giao bảo đảm an toàn giao thông,…

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý vi phạm

Ngoài thực hiện thí điểm những giải pháp về hạ tầng, dự án sẽ tuyên truyền về các giải pháp thí điểm, vận động phụ huynh và học sinh cùng phối hợp thực hiện khu vực cổng trường an toàn, trật tự…

Bà Nguyễn Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết: “Trường tiểu học Nguyễn Du hiện có khoảng hơn 2.300 học sinh. Chúng tôi đã bố trí lực lượng bảo vệ phối hợp với lực lượng dân phòng và công an phường Văn Quán để giải quyết ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra”.

Bà Nguyễn Thanh Vân cho rằng, vấn đề ùn tắc gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường sẽ không thể giải quyết triệt để nếu thiếu sự phối hợp từ người dân, các bậc phụ huynh và học sinh. Để tuyên truyền cho mọi người biết về ý nghĩa của dự án và để thực hiện đúng, cần một kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sinh động, dễ dàng đón nhận.

“Chúng tôi cũng mong muốn, khi dự án đi vào hoạt động, tạo sự an toàn cho khu vực cổng trường thì số lượng học sinh có thể tự đi học sẽ tăng lên, giảm áp lực cho việc đưa đón học sinh” - bà Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.

Đại diện Ban ATGT TP Hà Nội cho biết thêm, tốc độ di chuyển qua các cổng trường học nói chung, trừ trường hợp bị ùn tắc thì thường là tốc độ cao, gây nguy hiểm cho các bạn học sinh. Với tốc độ dưới 30km/h thì sẽ giảm tối đa thương vong và vụ va chạm có thể xảy ra. Chính vì vậy, trong các giải pháp đặt ra thì quy định, giám sát chặt chẽ về tốc độ khi lưu thông qua trường học cũng là một điều cần chú trọng.

“Khi các dự án được triển khai, cũng cần áp dụng quy định xử phạt mang tính răn đe với các trường hợp vi phạm. Nếu người dân không tuân thủ, chấp hành theo hướng dẫn giao thông ở các khu vực cổng trường thì cần xử lý nghiêm khắc để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tối đa thương vong về tai nạn cho học sinh” – đại diện Ban ATGT TP Hà Nội nhìn nhận.

KTĐT

Tin liên quan