Cụ thể, đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 6, Điều 5).
Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (theo Điểm b, Khoản 12, Điều 5) .
- Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm b, Khoản 8, Điều 5). Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng (theo Điểm d, Khoản 12, Điều 5).
- Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 9, Điều 5); hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (theo điểm b, Khoản 9, Điều 5).
Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng (theo Điểm đ, Khoản 12, Điều 5).
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là 4 triệu đồng (Điều 6 Nghị định 46).
Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là 7 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 4 tháng, tùy vào mức độ vi phạm về nồng độ cồn (Điều 7 nghị định 46).
Về trách nhiệm dân sự, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Về trách nhiệm hình sự, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự (bị phạt tù từ 3 - 10 năm).
Văn Sinh