Những lưu ý với tài xế ô tô khi lưu thông qua đoạn đường ngập nước

 
Chia sẻ

Vào khoảng thời gian này trong năm, Hà Nội cùng các địa phương khác trong cả nước ở vào giai đoạn cao điểm mùa mưa. Với kết cấu đô thị hiện tại, ngập úng đang là mối lo lắng thường trực của các tài xế ô tô.


Bởi khi bị nước vào xe không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ thống điện, làm bẩn nội thất mà nghiêm trọng hơn còn gây hư hỏng động cơ khi xâm nhập vào buồng đốt; xảy ra hiện tượng nén nước hay còn gọi thủy kích.
Nếu phải lưu thông qua đoạn đường ngập nước, bạn hãy nhớ những lưu ý sau:
Bạn cần đánh giá đúng về mức độ ngập của đoạn đường đó. Nếu mức nước quá sâu hoặc không thể đánh giá được tình trạng ngập nước thì tốt nhất nên dừng lại. Nếu quyết định lái xe vượt qua đoạn đường ngập nước, tài xế nên tắt các phụ tải của xe như điều hòa, hệ thống giải trí để tăng khả năng vận hành của động cơ.
Đi tốc độ chậm, đều ga
Với xe số tự động, tài xế nên chuyển chế độ S, ga từ từ và không nên thốc ga. Bởi khi đi đường đông, ngập nước, việc thốc ga và phanh lại khiến nước có thể sẽ tràn vào cổ hút, xâm nhập vào máy gây hiện tượng thủy kích. Chính vì thế, bạn nên dừng lại, quan sát xem khoảng cách ngập nước có rộng hay không để đi.
Đặc biệt lưu ý là không dừng lại trong vùng ngập. Nếu bắt buộc phải dừng lại thì về số N (mo), kéo phanh tay và vẫn giữ ga. Khi có thể tiếp tục lăn bánh, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập. Nếu quan sát thấy mức nước cao hơn nửa bánh xe thì bạn không nên liều lĩnh chạy qua.
Không cố khởi động lại xe khi xe chết máy
Tại các đoạn đường ngập nước sâu, cách tốt nhất là dừng hẳn xe lại. Trường hợp nước tràn vào khoang máy và nội thất, gây chết máy, bạn cần gọi ngay cứu hộ đưa xe về trạm sửa chữa để có phương án xử lý tốt nhất, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, tuyệt đối không khởi động lại. Nếu cố nổ máy có thể làm cong tay biên, trường hợp nặng có thể gãy tay biên dẫn đến vỡ lốc máy. 
Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, do đó nên tắt chìa khóa điện. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mức nước ngập quá cao thì tuyệt đối không mở cửa xe. Nước sẽ tràn vào bên trong làm hư hỏng các bộ điều khiển và nội thất xe. Nếu cần rời khỏi xe, bạn nên hạ kính và chui ra khỏi xe
Trường hợp nước mới ngập vào nội thất chưa nhiều, chưa thể gây chập thiết bị điện, bạn có thể lái xe về nhà, tháo cực âm ắc-quy để qua đêm. Sau đó, gọi cứu hộ mang đến các trung tâm sửa chữa để xử lý. Với hiện tượng này, cách tốt nhất là sấy sàn. Với trường hợp nước ngập sâu trong khoang nội thất, bạn cần gọi ngay cứu hộ, đưa xe đến các trung tâm sửa chữa để được xử lý kịp thời.
Cánh cửa xe bị ngập nước sẽ đọng rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hệ thống loa và dây dẫn. Hệ thống chiếu sáng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cho dù có hút sạch nước và sấy khô, khả năng xảy ra các rủi ro sau này như đường dây bị chập cháy, hở, bị ăn mòn tại các tiếp điểm là khó tránh khỏi. Sau mỗi lần ngập, bạn nên mang xe tới xưởng kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ.

Văn Sinh

Tin liên quan