Hội thảo phát triển ĐSĐT tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 17 - 19/1 với 4 phiên thảo luận các chuyên đề: Phát triển ĐSĐT và đô thị theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, gia tăng giá trị đất đai; Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; Quản lý dự án ĐSĐT.
|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu Bế mạc Hội thảo phát triển đường sắt đô thị. |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, hội thảo đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung và chương trình đặt ra.
Dưới sự chủ trì của UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh và điều hành của hai Sở GTVT, hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và cầu thị.
Theo số liệu từ Ban tổ chức, đã có nhiều đoàn đại biểu đăng ký tham gia với số lượng khoảng 200 đại diện đến từ các cơ quan T.Ư, địa phương, các tổ chức, cơ quan ngoại giao.
“Đặc biệt, có sự góp mặt của 30 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực ĐSĐT và giao thông công cộng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực phát triển hệ thống đường sắt đô thị công cộng.
Hội thảo đã nhận được tổng số 11 bài báo cáo, tham luận. Qua đánh giá, các tham luận đều có chất lượng tốt, được chuẩn bị công phu, đề cập vào các nội dung cốt lõi, phản ánh thực trạng, xu thế phát triển của hệ thống đường sắt đô thị trên thế giới nói chung và tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nói.
Ngoài ra còn một số ý kiến đóng góp của các đại biểu khác, do thời gian giới hạn, chưa có điều kiện để trình bày, sẽ được Ban Tổ chức đón nhận và đưa vào báo cáo tổng kết của hội thảo. Các câu hỏi không trao đổi tại hội nghị do thời gian thảo luận không cho phép sẽ được Bộ phận thư ký tổng hợp gửi đến các diễn giả để trả lời.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều đánh giá, các bài phát biểu và ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã thể hiện sự đồng tình và thống nhất cao về vai trò ngày càng lớn của của hệ thống ĐSĐT.
Không những làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, ĐSĐT còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ các vấn đề nan giải trong quá trình đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT.
|
Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Hội thảo phát triển đường sắt đô thị.
|
Cụ thể là 3 chủ đề trọng tâm: Những khó khăn trong việc áp dụng hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ cho ĐSĐT; đề xuất các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho ĐSĐT, cơ chế khuyến khích các DN trong nước tham gia; bất cập, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện dự án hiện nay.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển ĐSĐT ở các nước phát triển cũng như các nước đã đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng có điều kiện tương đương Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống ĐSĐT.
Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân; hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống ĐSĐT xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nói: “Các ý kiến đóng góp sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ĐSĐT nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung, góp phần xây dựng Thủ đô và Thành phố mang tên Bác trở nên văn minh, hiện đại”.
Đồng thời, thành công của hội thảo đã tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai thành phố lớn: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thay mặt cho Ban Tổ chức, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã gửi lời cảm ơn trân trọng tới lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, tổ chức, cá nhân đã đến tham dự hội thảo.