Sửa đổi trình tự công bố lại hoạt động cảng, bến thủy nội địa từ 10/3/2024

MINH QUÂN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2024. Trong đó, nội dung đáng chú ý là phân cấp, thay đổi đầu mối cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận xây dựng bến thủy nội địa (vị trí, công năng, quy mô xây dựng cảng, bến thủy) từ Sở GTVT về UBND cấp huyện.

Sua doi trinh tu cong bo lai hoat dong cang, ben thuy noi dia tu 10/3/2024 - Hinh anh 1
Sửa đổi trình tự công bố lại hoạt động cảng, bến thủy nội địa từ 10/3/2024. 

Cụ thể, theo quy định mới, tiếp tục phân cấp Sở GTVT thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy trên đường thủy địa phương, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy địa phương, cảng thủy trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy địa phương trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ trường hợp cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và trường hợp do Bộ GTVT quyết định). Tuy vậy, đối với bến thủy, UBND cấp huyện thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý (hiện do Sở GTVT thực hiện).

Khi làm thủ tục xây dựng bến, chủ đầu tư thực hiện theo các bước: nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến UBND cấp huyện. UBND cấp huyện sẽ lấy ý kiến Chi cục Đường thủy nội địa khu vực (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN) trong trường hợp đối với bến thủy nằm trên đường thủy quốc gia, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy quốc gia trước khi có văn bản thỏa thuận; Trường hợp cảng, bến thủy nằm trong vùng nước cảng biển, trước khi thẩm định, thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở GTVT, UBND cấp huyện lấy ý kiến của Cảng vụ hàng hải bằng văn bản.

Tương tự bến thủy, nghị định mới cũng phân cấp UBND cấp huyện (thay cho Sở GTVT) thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, quy định rõ trình tự thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục đối với các cơ quan liên quan.

Theo quy định, các cảng, bến thủy sau khi hoàn thành xây dựng và trước khi đưa vào khai thác, chủ cảng, bến phải nộp hồ sơ đề nghị (có thể qua bưu chính hoặc trực tuyến) được cơ quan quản lý nhà nước (có thẩm quyền thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng) công bố hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc UBND cấp huyện là đầu mối cấp phép hoạt động đối với bến thủy trên đường thủy quốc gia, đường thủy địa phương thuộc địa bàn quản lý.

Nghị định cũng nêu rõ, các trường hợp thỏa thuận thông số kỹ thuật bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính và các quyết định công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành trước ngày Nghị định số 06/2024 có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn quy định của văn bản. Hết thời hạn quy định của văn bản, các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định tại nghị định mới.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, quy định mới nhằm thực hiện phân cấp thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính trên từ Sở GTVT về UBND cấp huyện và không gây phát sinh thủ tục hành chính mới. Việc phân cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, khai thác bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định.

Tin liên quan