Chạy xe khi gần cạn xăng có tác hại cho ô tô như thế nào?

 
Chia sẻ

Nhiều người có thói quen hoặc hay quên và thường để xe mình hoạt động trong tình trạng xăng gần như cạn kiệt, việc để xe chạy trong tình trạng như vậy thật sự chẳng hề tốt cho động cơ và cả những bộ phận cơ khí của xe.

Theo báo Giao thông, thói quen chạy xe cho tới khi cạn kiệt nhiên liệu thường xuất hiện ở rất nhiều lái xe. Có nhiều lý do khác nhau mà họ hay để xe hoạt động trong tình trạng gần như không có chút nhiên liệu nào cả. Ví dụ, quên đổ xăng hay đi cố để tìm trạng xăng… là các lý do phổ biến nhất khi để xe hoạt động trong tình trạng sắp hết xăng.

Nhưng ít ai biết rằng, việc để xe chạy trong tình trạng như vậy lại không hề tốt cho động cơ và những bộ phận cơ khí của xe. Đối với động cơ xe, đặc  biệt là động cơ diesel, việc để cạn kiệt nhiên liệu thường xuyên rất dễ gây hư hỏng cho động cơ diesel. Lý do là vì ở mỗi chiếc xe đều có rất nhiều bộ phận cơ khí, được thiết kế trong điều kiện ngập nhiên liệu để hoạt động ở mức tốt nhất và giúp động cơ tăng độ bền cao, tránh được sự ăn mòn từ những tác nhân bên ngoài.

Chay xe khi gan can xang co tac hai cho o to nhu the nao?  - Hinh anh 1
Bơm xăng rất dễ bị hỏng nếu cố chạy xe khi bình xăng đã cạn

Nhiều kỹ sư có kinh nghiệm trong hội những người đam mê ô tô chia sẻ, về lý thuyết, bơm xăng có nhiệm vụ đưa nhiên liệu từ bình xăng tới buồng đốt, đây được coi là bộ phận quan trọng trong hệ thống bơm. Nếu cố gắng di chuyển khi bình xăng đã cạn sẽ gây ra nhiều tổn thất, đặc biệt ở bộ phận lọc và mô-tơ.

Cụ thể, khi di chuyển với bình xăng cạn, không khí sẽ thay chất lỏng qua bơm xăng và làm công việc làm mát cho cuộn dây đồng trong bơm xăng, đồng nghĩa với việc cuộn dây đồng không thể làm mát một cách hiệu quả, dẫn đến mô-tơ điện bị quá nhiệt, hư hại khi lái xe cố gắng di chuyển bằng những giọt nhiên liệu cuối cùng.

Chay xe khi gan can xang co tac hai cho o to nhu the nao?  - Hinh anh 2

Không những thế, khi di chuyển với bình xăng cạn sẽ dẫn đến các chất cặn trong bình xăng cũng bị hút vào trong máy bơm để cung cấp cho động cơ. Việc tái diễn tình trạng này nhiều lần khiến lượng cặn của nhiên liệu sẽ được bồi đắp và làm hiệu suất hoạt động kém hơn hay gây ra tình trạng ăn mòn động cơ.

Bởi, cặn bám khi bị hút trong bình xăng sẽ bám vào bộ lọc, khiến bộ lọc bị nghẽn và nhiên liệu sẽ không đến được buồng đốt, xe không thể khởi động. Ngoài ra, dòng chảy nhiên liệu bị cản trở bởi cặn bám lõi lọc cũng sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm mát mô-tơ điện bơm xăng.

Còn khi ô tô hoạt động với bình nhiên liệu đầy, mô-tơ điện sẽ được làm mát bằng chính nhiên liệu xăng. Quá trình vận chuyển từ xăng đến động cơ nhiên liệu cần đi qua một bơm xăng hình tròn và làm mát các cuộn dây đồng.

Đấy là những lý do cho thấy việc chạy xe khi xăng cạn là vô cùng nguy hiểm, nó ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ và nhiều bộ phận khác. Nếu các bác tài không muốn phải mất thêm chi phí sửa chữa như thay lọc nhiên liệu hay bơm xăng khi chưa đến kỳ bảo dưỡng thì hãy luôn quan sát đồng hồ xăng và nạp thêm nhiên liệu khi đồng hồ báo ở mức tối thiểu để xe được vận hành bền bì và kéo dài tuổi thọ xe.

Theo VOV Giao Thông

Tin liên quan