Một cửa hàng cho thuê xe ô tô tự lái trên phố Giáp Nhất.
|
Có xe trong "một nốt nhạc"
Dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái là một dịch vụ khá phổ biến ở TP Hà Nội và các đô thị trong cả nước. Dạo một vòng trên các trang mạng, không khó để có thể lựa chọn một cơ sở cung cấp dịch vụ đi kèm với thủ tục khá đơn giản. Khi thuê xe, khách hàng chỉ cần giấy CMND, hộ khẩu và bằng lái xe photo cùng một khoản tiền nhất định (hoặc là xe máy và giấy tờ xe) làm đảm bảo là được chủ thuê xe cung cấp cho sổ kiểm định, giấy tờ xe (photo công chứng).
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, anh Nguyễn Anh Tuấn - chủ một cơ sở cho thuê xe tự lái cho biết, hiện anh đang có khoảng 20 - 30 chiếc xe cho thuê, trong đó có cả những dòng mới như Vinfast Fadil, Mitsubishi Xpander... Với giá thuê khá "mềm", đủ mọi mẫu mã từ bình dân tới cao cấp cho mọi người tuỳ ý lựa chọn. "Hiện tại, giá thị trường thuê xe tự lái tại Hà Nội giao động từ 600.000 - 800.000 đồng/ngày đối với xe 5 chỗ ngồi bình dân như KIA Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Vios,… và từ 700.000 - 900.000 đồng/ngày đối với xe 7 chỗ như Toyota Innova, Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga; Những mẫu xe thuộc dạng cao cấp hơn như Vinfast Lux A, Toyota Fortuner 2019... có giá trên 1 triệu đồng/ngày" - Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Theo anh Nguyễn Hoàng Quân (35 tuổi, trú tại quận Đống Đa), đặc thù công việc của anh thường xuyên giao lưu, gặp gỡ khách hàng nên anh thường xuyên thuê một chiếc xe xịn để có thể tạo thiện cảm khi đi gặp đối tác hoặc phục vụ cho những chuyến đi công tác xa. "Thuê xe tự lái các thủ tục không rườm rà, nhanh chóng, chi phí không quá đắt đỏ, chỉ cần có giấy phép lái xe là có thể thuê cho mình một chiếc ôtô để sử dụng" - anh Quân chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc cho thuê xe tự lái cũng đem lại một khoản lợi nhuận lớn, đặc biệt trong dịp lễ Tết sắp tới đây khi giá thuê xe có thể tăng thêm 30 - 50% so với ngày thường. "Khi có thông tin dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tại nhiều nơi, mọi người có xu hướng thuê xe để bảo đảm sức khoẻ cho mình và gia đình nên số lượng người thuê xe tăng mạnh" - một chủ xe chia sẻ.
Mất tiền, khó đòi lại
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Anh Tuấn, mặc dù lợi nhuận từ việc cho thuê xe khá tốt nhưng những rủi ro cũng luôn rình rập, nhất là vào dịp lễ, Tết lưu lượng tham gia giao thông cao, người thuê lại hay có tí men rượu khi đi chúc Tết hoặc gặp đối tác, người thân nên dễ xảy ra va quệt, đi sai luật bị phạt nguội. "Không phải cứ ngồi mát ăn bát vàng được đâu. Tôi cũng lo ngay ngáy khi cho thuê xe, song làm nghề thì phải chấp nhận. Hàng ngày, tôi phải dành thời gian nhất định lên mạng tra cứu xem xe của mình có vi phạm giao thông hay không. Từ khi lực lượng CSGT xử phạt qua hệ thống camera, có rất nhiều khách của tôi bị dính lỗi "phạt nguội" nhưng mấy ngày sau mới có kết quả. Thông thường thời gian đó người thuê xe đã trả xong tiền, giấy tờ, lấy lại tiền cọc nên những vi phạm như thế mình phải chịu"- anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều chủ xe khác cũng gặp rắc rối, đó là việc khách hàng thuê xe đi xa vi phạm Luật Giao thông đường bộ dẫn đến phạt nguội. Khi khách đã trả xe, hợp đồng đã tất toán thì chủ xe mới "giật mình" vì nhận được thông báo phạt, thậm chí có trường hợp đến hạn đăng kiểm mới biết xe của mình bị phạt nguội. Càng khó khăn hơn cho các chủ xe, đó là dù nhiều trường hợp sau khi đối chiếu thông tin, thời gian vi phạm, kiểm tra lại hợp đồng cho thuê qua đó xác định được người thuê nhưng việc họ chịu tiền đóng phạt lại là chuyện khác.
Hiện, nhiều cơ sở cho thuê xe tự lái đang siết chặt hơn đối với khách thuê, chỉ cho khách quen hoặc có người quen bảo lãnh, có đầy đủ giấy tờ và cam kết trách nhiệm khi không may xảy ra va chạm, phạt nguội… hoặc kéo dài thời gian trả lại tiền cọc khi ký kết hợp đồng cho thuê xe. Trao đổi về việc này, các chuyên gia giao thông cho rằng, để cái Tết được an lành thì không chỉ người cho thuê siết điều kiện ràng buộc mà người thuê xe cũng cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông nhằm hạn chế tối đa những rủi ro cho bản thân và mọi người.