Chuyên gia “hiến kế” cho ngành ô tô Việt

 
Chia sẻ

Hiện, dòng xe chạy và bán trên thị trường Việt Nam chủ yếu là dòng xe đốt trong, sử dụng nhiện liệu là xăng và dầu. Xu hướng thế giới là sử dụng dòng xe điện để bảo vệ môi trường.

Chuyen gia “hien ke” cho nganh o to Viet - Hinh anh 1
Ảnh minh hoạ

Dự kiến, triển lãm ô tô Việt Nam 2019 diễn ra vào tháng 10 tại TP.HCM. Theo đó, 15 hãng xe lớn sẽ trình bày những mẫu xe mới nhất, phong cách nhất. Tuy nhiên, sự kiện mong chờ nhất của người yêu xe ô tô chính là công nghệ mới nào trong sản xuất xe ô tô sẽ được trình làng năm nay.
Trên thế giới, xu hướng sản xuất xe ô tô điện đang được nhiều quốc gia quan tâm vì tính bảo vệ môi trường của nó, cũng như dòng xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời đang được ưu tiên để giải quyết bài toán năng lượng cho xe.
Các hãng xe lớn trên thế giới đã bắt tay vào nghiên cứu và đã cho ra những mẫu xe ô tô điện khi Tất cả model xe Volvo là xe điện, xe BMW, Chevy, Ford, Kia có 10 phân khúc model thì tới gần phân nửa là xe điện.
Đặc biệt, mẫu xe điện đầu tiên thế giới chạy bằng năng lượng mặt trời là Lightyear One (do Công ty Lightyear - Hà Lan chế tạo) đã được giới thiệu vào tháng 6/2019 và sẽ bán ra thị trường Châu Âu vào năm 2021, giá khởi điểm 244.000 USD (khoảng 5,7 tỉ đồng).

Việt Nam là nước có trình độ phát triển công nghệ đi sau, nhưng việc phát triển ngành công nghệ ô tô đang được khẳng định mạnh mẽ với sự ra đời của thương hiệu xe Vinfast. Hãng xe ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam đã trình làng những mẫu xe ô tô Fadil, LUX A2.0 và LUX SA2.0, bên cạnh đó Vinfast cũng đã sản xuất ngay dòng xe máy điện Klara nhằm nắm bắt nhanh xu hướng thị trường.

Do vậy, công nghệ Việt Nam đi sau nhưng có nên đón đầu việc phát triển ngay các dòng xe ô tô điện để bảo vệ môi trường hay không?

Theo ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trước tiên có thể phát triển xe lai, nhưng cần phải có chi phí bổ sung để sản xuất ra dòng xe này. Chính phủ và người dân Việt Nam cần biết đâu là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam.

“Tôi không nghĩ có những công nghệ có thể ứng dụng ngay tại Việt Nam, vì điều này còn phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở, hay nhiệt độ môi trường… Nhưng để làm được tôi cho rằng cần sự chung tay giữa chính quyền và các nhà sản xuất ô tô để lựa chọn công nghệ sạch cho Việt Nam”, ông Toru Kinoshita nói.

Còn theo ông Laurent Genet, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA), cần phải giải quyết vấn đề đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô động cơ điện. Vì những hãng xe nào muốn sản xuất ô tô điện chi phí sẽ đội lên gấp đôi so với sản xuất xe ô tô động cơ đốt trong (dùng xăng). Cần xem đây là cơ hội cho sự phát triển công nghệ mới tại Việt Nam. Việt Nam cũng có thể sản xuất dòng xe lai trước.

Ông Toru Kinoshita cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% (giảm hơn 20.000 xe) so với cùng kỳ năm ngoái với lượng xe bán ra đạt 119.244 xe. Trong khi đó, xe nhập khẩu tăng 178% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 53.081 xe) và đạt 82.823 xe. Việt Nam đang trong giai đoạn “xã hội hoá ô tô”.

Tuy nhiên, cần khắc phục nhược điểm của ngành ô tô non trẻ Việt Nam. Nghĩa là tăng tỷ lệ nội địa hoá trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô. Vì hiện nay tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 10 - 15%, trong khi 3 nước: Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có tỷ lệ nội địa hóa bình quân trên 70% (Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu & Phân tích, CTCP Chứng khoán Vietinbank).

Chính vì tỷ lệ nội địa hóa thấp đã khiến giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn 10%, thậm chí giá thành sản xuất xe Ford Fiesta tại Việt Nam còn cao hơn 20% so với các nước trong khu vực, đại diện hãng Toyota Việt Nam cho biết.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung, gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị ngành ô tô, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp vào khâu lắp ráp, phân phối, bán hàng và chăm sóc khách hàng (vỏ xe, lắp ráp, sơn, hoàn thiện…), chỉ đóng góp khoảng 15% tổng giá trị xe. Còn khâu thiết kế, sản xuất linh kiện, phụ tùng cấp 1, cấp 2…, ước tính chiếm gần 60% giá trị thành phẩm xe thì các doanh nghiệp ô tô nội địa Việt Nam hoàn toàn bị động.
Do đó, cần gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam, như mục tiêu của Vinfast sẽ nâng tỷ lệ nội địa hoá ô tô Việt lên mức 60% và dần tiến tới sản xuất ô tô điện.

Theo bizlive.vn

Tin liên quan