|
Kỹ thuật lái xe trong sân hình là rất khác so với khi lái xe ngoài thực tế. |
Khi đi xe số sàn, thao tác của chân ga, côn và phanh (thắng) được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ, nhịp nhàng, nếu không xe sẽ bị giật và chết máy. Điều này khiến không ít người mới lái gặp khó khăn khi điều khiển xe số sàn trên đường.
Thời gian vừa qua, nhiều tài xế mới băn khoăn về vấn đề khi muốn giảm tốc độ của xe số sàn thì nên đạp phanh trước hay côn trước mới là đúng kỹ thuật, giúp lái xe an toàn và tránh hại cho ô tô. Câu hỏi này đã thu hút được nhiều bình luận và đa số độc giả cho rằng, luôn phải phanh trước rồi mới đạp côn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Minh Chí - chủ một trung tâm sửa chữa, chăm sóc xe ô tô tại khu vực phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) phân tích, đối với xe số sàn, động tác đạp côn sẽ làm cắt ly hợp, chiếc xe sẽ trôi theo quán tính. Do đó, việc cắt côn trước sẽ làm tăng quãng đường và thời gian phanh, chiếc xe không thể dừng ngay được, gây nguy hiểm trong một số tình huống cần dừng khẩn cấp.
|
Khi xe ở số 1 thì nên đạp côn trước khi phanh vì quán tính xe thấp. |
"Khi ở tốc độ cao muốn giảm tốc độ hoặc xuống dốc thì lái xe cần chuyển về số thấp hơn để lợi dụng lực hãm của động cơ. Nếu chỉ sử dụng phanh và cắt côn còn gây nóng phanh, mòn phanh nhanh và trường hợp dùng liên tục có thể dẫn đến mất phanh, rất nguy hiểm", ông Chí chia sẻ.
Ông Nguyên chỉ ra rằng, những lái mới, ít kinh nghiệm lái xe thường rất hay xử lý đạp côn trước rồi mới phanh. Điều này một phần vì tâm lý sợ chết máy, phần vì thói quen được "luyện" trong quá trình học lái xe vì khi đi trong sa hình rất chậm và sử dụng số thấp.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Nguyên - Giáo viên tại Trung tâm đào tạo để cấp giấy phép lái xe đường bộ, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khẳng định, hầu hết trong mọi trường hợp muốn giảm tốc độ đều phải sử dụng phanh trước. Tuy vậy, có sự khác nhau đôi chút khi đi trong sa hình (lúc tập lái và sát hạch) với lúc đi ngoài đường trường.
"Ở trong sa hình hầu hết thời gian chỉ dùng số 1, nếu đạp phanh để dừng xe lại thì rất dễ chết máy, do vậy các thầy dậy đạp côn trước là đúng. Nhưng áp dụng điều này ra ngoài đường trường một cách máy móc là không phù hợp", ông Nguyên nói.
Vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm dạy lái xe này chia sẻ, khi ở số 1 thì nên đạp côn trước khi phanh vì quán tính xe thấp, lúc này đạp côn chỉ với mục đích chống chết máy. Còn tất cả các trường hợp còn lại (từ số 2 trở lên) nên rà phanh trước để giảm quán tính xe sau đó mới đạp côn.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lái xe số sàn cần hạn chế thói quen ra vào côn liên tục sẽ gây mòn lá côn. Chỉ đạp côn khi vào số hoặc khi xe sắp dừng hẳn để tránh chết máy hoặc máy bị giật cục.
Khi lái xe số sàn, nếu ai vẫn quen côn rồi mới phanh thì cần phải tập làm quen lại để giúp việc lái xe được an toàn hơn. Hãy để xe lăn bánh và phanh cho tới khi có hiện tượng rung rung xe, khi đó mới đạp côn.
Việc đạp côn vào thời điểm nào còn tuỳ vào từng dòng xe, điều kiện đường sá và chính những tài xế là những người cần cảm nhận và đưa ra quyết định chính xác nhất.