Thị trường khởi sắc
Số liệu bán hàng vừa được VAMA công bố, ghi nhận doanh số tháng 12/2021 đạt 46.759 xe, tăng 21% so với tháng trước liền kề, nhưng giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2020.
VAMA cho biết các thành viên đã bán được 36.859 xe du lịch trong tháng 12/2021, tăng 33%, toàn quốc bán được 9.294 xe thương mại, giảm 10% và 606 xe chuyên dụng, giảm 1%.
Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 25.686 xe, tăng 23% so với tháng trước, trong khi lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 21.073 xe, tăng 19% so với tháng 11/2021.
|
Doanh số tháng 12/2021 của các đơn vị thành viên VAMA đạt 46.759 xe, tăng 21% so với tháng 11. |
Như vậy, kết thúc năm 2021, số lượng xe mà các thành viên VAMA đã bán trong năm đạt 304.149, tăng 3% so với năm 2020. Trong đó, xe du lịch giảm 3%, xe thương mại tăng 17% và xe chuyên dụng tăng 50%.
Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam liên tục có những tháng lao dốc. Đáng nói, trong tháng 8/2021, thị trường ô tô Việt Nam giảm tới 45% số lượng xe bán ra. đây là tháng có doanh số kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.
Lý giải việc thị trường ô tô lao dốc, VAMA cho biết, kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát vào tháng 4, nhiều nhà máy của thành viên VAMA đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất do thực hiện việc giãn cách xã hội.
Với những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì lại gặp một trở ngại khác như số lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý. Ước tính hàng trăm đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA phải đóng cửa.
Cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động do dịch Covid-19 và giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước. Có thể nói, chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.
Từ số liệu VAMA công bố, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tác động mạnh đến người tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Biện pháp giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không chỉ mang lại tác động tích cực cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa, mà còn có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Do được hưởng lợi từ chính sách, một số doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua đã và đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động lắp ráp, mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để cung ứng cho thị trường.
Thời điểm vàng mua xe
Trước đó, ngày 26/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12. Như vậy, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu được quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP.
|
Việc Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đã tác động không nhỏ đến thị trường ô tô dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022. |
Anh Nguyễn Văn Hùng trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Chính phủ giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước, nên người dân có nhu cầu mua xe có thể tiết kiệm được hàng chục triệu đồng. Tôi đã chọn mua xe từ đầu tháng 12 để hưởng ưu đãi”.
Từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, với chiếc Hyundai Santa Fe mới mua, anh Nguyễn Văn Hùng tiết kiệm được hơn 50 triệu đồng.
Chuyên gia kinh tế, Thạc sĩ Hoàng Minh Thành cho biết: “Việc Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đã tác động không nhỏ đến thị trường ô tô dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nên doanh số bán xe tiếp tục tăng không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, lượng xe bán ra chưa hoàn toàn vượt mạnh so với thời điểm tháng 12/2020 theo báo cáo của VAMA”.
Theo Thạc sĩ Hoàng Minh Thành, đây là thời điểm vàng cho người dân muốn mua xe. Bên cạnh chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ từ phía Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, việc thiếu nguyên liệu lắp ráp ô tô là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, chi phí logistics đang tăng cao, vận chuyển đi lại khó khăn sẽ tác động đến giá các mặt hàng, ô tô không phải ngoại lệ.
Vị chuyên gia này cũng dự đoán rằng cách thức vận hành thị trường xe Việt thời gian tới cũng sẽ giống thời điểm đầu năm 2021. Trong tháng 1/2022, sức tiêu thụ sẽ có phần "hạ nhiệt" so với tháng trước do ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sắp đến.