Kinh nghiệm đổ đèo bằng xe ga

 
Chia sẻ

Không thể phủ nhận sự thuận tiện và dễ sử dụng của chiếc xe tay ga trong các đô thị lớn cũng trên các cung đường dài - tư thế thoải mái, hộc chứa đồ lớn… Tuy nhiên, khi điều khiển loại xe này ở vùng đồi núi, cần đặc biệt cẩn trọng, nhất là khi xuống dốc.

Với xe tay ga, khi sử dụng trên các đường đồi núi phải đặc biệt cẩn thận, vì rất khó sử dụng kỹ thuật phanh động cơ để ghìm bớt tốc độ khi xuống dốc. Điều này lý giải vì sao có rất nhiều tai nạn liên quan đến xe ga khi xuống dốc, dù người lái là nam giới hay phái yếu.

Kinh nghiem do deo bang xe ga - Hinh anh 1
Hiện trường một vụ tai nạn xe ga khi xuống dốc tại Tam Đảo 

Vậy không thể và không nên sử dụng xe ga ở những vùng nhiều đồi núi?

Hoàn toàn có thể, nếu như bạn luôn biết cách làm chủ chiếc xe để luôn vận hành trong điều kiện an toàn, bao gồm cả về tốc độ và hoạt động của hệ thống phanh.

Không những thế, với những cô gái muốn duyên dáng hơn với một chiếc xe ga, lẽ nào lại không được đi xe ga chỉ vì khó đi khi xuống dốc?

Dùng phanh thế nào cho đúng?

Với thiết kế đặc trưng động cơ nằm ở phía sau, các mẫu xe ga tại Việt Nam có trọng tâm nằm lùi ra phía sau khiến phần đầu xe nhẹ, dễ mất hướng lái.

Ngoài ra, cùng với việc được trang bị phanh đĩa trước (phía sau đa số là phanh tang trống, trừ những mẫu xe ga cao cấp như Honda Sh mới có phanh đĩa sau) bạn càng hạn chế chỉ sử dụng một phanh, nhất là chỉ phanh trước.

Khi xuống dốc bạn phải thật cẩn thận khi phanh và luôn phải phanh bằng cả HAI PHANH để tăng cường sự ổn định cho xe.

Có thể áp dụng kỹ thuật phanh động cơ trên xe ga?


Có, nhưng rất khó và phải kết hợp thật đúng cách với hệ thống phanh. Nếu như ở xe số (và cả ở ôtô với tất các loại hộp số) đều có thể vận dụng các cấp số nhỏ, lợi dung tỷ số truyền của hộp số để phanh xe (điều này khiến động cơ hoạt động ở vòng tua cao, đi kèm tiếng ồn nhưng sẽ an toàn hơn).

Còn với xe ga sử dụng hộp số vô cấp truyền động bằng dây đai, điều này có thể thực hiện được nhưng khó ở chỗ bạn phải luôn duy trì tay ga ở một mức nhất định sao cho tốc độ xuống dốc luôn ở khoảng 10-15 km/h và luôn sử dụng phanh để đảm bảo duy trì ở tốc độ đó.

Sở dĩ luôn phải có một mức ga nhất định đó là để giúp hệ thống ly hợp hoạt động, duy trì lực hãm từ động cơ ra bánh xe, hỗ trợ giảm tốc độ xe.

Việc sử dụng kỹ thuật này đòi hỏi bạn phải cảm nhận được việc động cơ ghì xe lại, nếu thấy xe lao đi với quán tính, bạn sẽ phải phanh chậm hẳn lại, mớm ga để hệ thống ly hợp hoạt động (côn bám) rồi lại tiếp tục đổ dốc.


Tuy nhiên như đã nói ở trên việc này rất khó vì khi xuống dốc tốc độ của xe luôn có xu hướng tăng lên, việc duy trì được mức ga và phanh cùng lúc không phải là điều dễ dàng gì. 

Có nên tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu?

Hoàn toàn không nên! Bạn có thể tiết kiệm được khoảng 10.000 đồng (hơn 0,5 lít, tương đương việc đi thêm được một quãng đường khoảng 20 km), nhưng con số đó liệu có đáng để bạn mạo hiểm? Vì khi đó, chiếc xe lao với quán tính mà không được hỗ trợ của hệ thống phanh động cơ. Thêm nữa, việc di chuyển không có tiếng động cơ sẽ rất nguy hiểm khi bạn vượt người khác; việc đột ngột có người đi bên cạnh sẽ xảy ra những tình huống không lường trước được.

Việc không tắt máy sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc đảm bảo tốc độ và xử lí tình huống.

Bóp phanh liên tục (rà phanh) sẽ là phương án an toàn nhất?

Hoàn toàn không phải vậy, bởi việc rà phanh liên tục sẽ khiến má phanh nóng lên do lực ma sát và sẽ mất tác dụng (trơ phanh) hoặc nặng hơn sẽ là bong má phanh. Điều này thường có dấu hiệu nhận biết trước khi có mùi khét trong không khí bốc ra từ hệ thống phanh khi bạn sử dụng quá nhiều.

Vậy đâu là cách xuống dốc an toàn với xe tay ga?

Có nhiều cách để xuống dốc an toàn, tuy nhiên cách sử dụng sau đây được coi là có được tỷ lệ an toàn cao nhất:

- Trước khi xuống dốc nên kiểm tra hoạt động của hệ thống phanh, phanh có ăn hay không? Khi bóp phanh có phát ra tiếng kêu bất thường hay không? Nếu có, hãy đến một cửa hàng sửa xe để điều chỉnh lại cho đúng.

- Các vật dụng gây vướng víu đến quá trình lái xe cần sắp xếp lại; túi đồ, áo mưa… tránh sử dụng một tay khi lái xe.

- Khi xuống dốc, luôn giảm tốc độ khi chuẩn bị vào cua và nên bấm còi báo hiệu ở những góc cua khuất và không có vạch phân định làn đường.

Khi đánh lái vào cua, nên căn theo vạch lề đường bên phải, nếu không  có vạch kẻ thì cố gắng bám sát lề phải với phần đường an toàn nhất.

Nếu phải tránh chướng ngại vật hay các tình huống giao thông, luôn phải bóp cả hai phanh với lực đều tay.

Ngoài ra, hãy nhìn xa hơn theo thói quen của bạn đặc biệt ở đồi núi quanh co, tránh nhìn vào đoạn đường ngay phía trước mặt (trong kỹ thuật lái xe gọi là bị khóa mục tiêu), vì khi đó bạn sẽ có xu hướng đi đúng vào điểm đó mà không kịp xử lí các tình huống hoặc góc cua tiếp theo.

- Cách đổ dốc an toàn: Tùy theo độ dốc, chiều dài con dốc và khả năng lái xe của mình, hay chọn duy trì một tốc độ an toàn tối đa (30 - 40km/h hoặc cao hơn, tùy khả năng), sử dụng hệ thống phanh để duy trì tốc độ đó là tốc độ tối đa (phanh để hạn chế tốc độ, chờ khi xe đến ngưỡng tốc độ tối đa đó lại phanh tiếp để làm chậm xe), việc phanh/nhả ngắt quãng sẽ tránh được việc làm nóng hay làm mất tác dụng của hệ thống phanh.

Pháp Luật Plus

Tin liên quan