Kỹ năng lái xe: Cầm, xoay vô-lăng thế nào cho đúng cách?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Xoay vô-lăng là một trong những kỹ năng đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp tư thế tay của người lái xe được linh hoạt, an toàn mà còn giúp xử lý những tình huống phức tạp, bất ngờ xảy ra. Tuy vậy, không phải ai cũng có cho mình tư thế cầm và xoay vô-lăng đúng kỹ thuật.

Mặc dù kỹ thuật quay vô-lăng có vẻ như khá đơn giản, nhưng để thuần thục được kỹ thuật này cũng phải mất rất nhiều thời gian. Chưa kể đến, mỗi mẫu xe đều có các góc quan sát, góc quay vô-lăng và số vòng quay khác nhau.

Tuy nhiên, có những quy tắc cơ bản về kỹ thuật xoay vô-lăng mà các lái mới cần lưu ý như: Xoay vô-lăng một tay, cả hai tay kế tiếp nhau... Ngoài ra, để đảm bảo xoay vô-lăng trên 180 độ với tốc độ nhanh, cần áp dụng kỹ thuật bắt vô-lăng chéo tay. Để xoay vô-lăng nhanh và đúng cách thì tư thế cầm vô lăng là điều hết sức cần lưu ý.

Tư thế cầm vô-lăng

Ky nang lai xe: Cam, xoay vo-lang the nao cho dung cach? - Hinh anh 1
 Vô-lăng được chia ra với các góc như một mặt đồng hồ

Hãy coi vô-lăng như một mặt đồng hồ, đặt tay phải ở vị trí 3 giờ còn tay trái ở vị trí 9 giờ. 4 ngón tay ôm vào vành vô-lăng, ngón tay cái đặt dọc theo vành vô-lăng. Khi đặt tư thế chuẩn, người lái xe cần để cho vai và tay được thả lỏng, việc này giúp lái xe trong thời gian dài không bị mỏi và cứng người. 

Ngoài ra, hãy chú ý không đặt tay ở vị trí cao, vì khi xảy ra va chạm, túi khí được kích hoạt và đẩy ra với một lực cực mạnh. Nếu bạn để tay sai quy cách trong trường hợp này sẽ khiến tay bạn đập vào mặt hoặc sẽ khiến bạn bị thương tích nặng hơn.

Ngoài cách cầm vô-lăng chuẩn là 3 giờ - 9 giờ, nhiều lái xe có kinh nghiệm có thể cầm kết hợp 3 giờ - 8 giờ hoặc 4 giờ - 9 giờ tuỳ theo thói quen và bố trí chỗ ngồi trong khoang lái.

Xoay vô-lăng bằng một tay

Ky nang lai xe: Cam, xoay vo-lang the nao cho dung cach? - Hinh anh 2
 Nhiều người lái xe lâu năm thường xuyên xoay vô lăng bằng 1 tay.

Đặt tay ở vị trí cao nhất trên vô-lăng, sau đó nới lỏng tay nắm vô-lăng như bình thường rồi sử dụng lòng bàn tay quay vô-lăng xuống điểm thấp nhất. Tiếp đến, người điều khiển cần xoay vô-lăng theo hướng chuyển dần lên cạnh bàn tay, tiếp tục quay và chuyển sang cách nắm bình thường, sau đó quay vô lăng lên điểm cao nhất.

Thông thường, kỹ thuật xoay vô-lăng này rất hay được áp dụng khi đỗ xe, ghép xe vào những vị trí chật hẹp. Tay trái thường được sử dụng để xoay vô-lăng, trong khi đó tay phải sử dụng để vào số (do phải tiến/lùi liên tục). 

Xoay vô-lăng với kỹ thuật bắt chéo hai tay

Ky nang lai xe: Cam, xoay vo-lang the nao cho dung cach? - Hinh anh 3
 Việc sử dụng kỹ thuật xoay vô-lăng chéo tay sẽ giúp người sử dụng xe đánh lái nhẹ nhàng hơn đối với những chiếc xe có vô-lăng nặng. 

Về cơ bản, kỹ thuật này giúp lái xe đánh lái góc lớn trong khoảng thời gian ngắn, rất hữu ích khi lưu thông trong những nơi có diện tích chật hẹp. Ngoài ra, việc sử dụng kỹ thuật xoay vô-lăng chéo tay sẽ giúp người sử dụng xe đánh lái nhẹ nhàng hơn đối với những chiếc xe có vô-lăng nặng. 

Đầu tiên, tay trên vô-lăng phải ở vị trí bình thường, bắt đầu quay cho đến thời điểm chuẩn bị bắt chéo tay phải, cùng với đó lái xe hãy xoay vô-lăng bằng tay trái cùng lúc với lúc bắt chéo tay phải. Lúc này, lái xe sẽ tiếp tục xoay vô-lăng sau khi bắt chéo tay phải đến vị trí chuẩn bị bắt chéo tay trái trước đó, tiếp tục như thế cho đến khi ôm hết vòng cua và đặt tay về vị trí bình thường.

Lưu ý, kỹ thuật xoay vô-lăng bắt chéo tay là tập hợp các chuyển động kéo đẩy nối tiếp nhau một cách tuần tự. Nếu thật sự làm chủ được tay lái và tốc độ xe khi vào cua thì không nhất thiết phải nắm ở vị trí chuẩn quy định. Nếu tính được góc xoay vô-lăng cần thiết, nên chọn vị trí nắm của 2 tay thật hợp lý để vào cua.

 

Cho dù áp dụng kỹ thuật quay vô-lăng như thế nào thì trong quá trình di chuyển trên mỗi địa hình đều có cách xử lý và thao tác khác nhau. Do vậy, ngoài việc áp dụng các kỹ thuật trên, trong mỗi lần di chuyển các lái xe có thể cảm nhận những kinh nghiệm cho bản thân mình thông qua vô-lăng.

Một số lưu ý khi đánh lái

Không nên đánh lái “chết” có nghĩa là đánh lái khi xe đứng im, vì như vậy nhiều khả năng gây hại lốp và hệ thống lái, cũng như dễ mất phương hướng khi xe chuyển động lại. 

Hạn chế đánh hết lái, nếu bắt buộc thì cũng không nên quay vô-lăng quá mạnh và ghì chặt quá lâu. Tốt nhất là khi vừa vào hết lái thì trả lái lại một chút.

Hạn chế đánh lái mạnh khi xe đậu sát mép vỉa hè, vì như vậy có thể ép vào lốp xe, hoặc mép vỉa hè chém vào gây hại lốp, có thể dẫn tới nổ lốp.

Trong mọi trường hợp, không buông cả 2 tay khỏi vô-lăng khi lái xe.

Nguyễn Hoàng

Tin liên quan