Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng điều hòa ô tô bị trục trặc vấn đề làm mát. Nếu như người dùng tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng ô tô thì cũng có thể tự khắc phục được sự cố đó, hoặc hơn hết là nếu phải đem ra thợ bảo dưỡng cũng sẽ không bị “bịp”.
Trường hợp điều hòa làm mát kém
Dấu hiệu nhận biết điều hòa đang làm mát kém là người dùng thấy không mát hoặc mát ít, trong cabin xe còn có mùi khó chịu. Như vậy nguyên nhân ở đây là do lọc gió điều hòa đang bị bẩn. Sau một thời gian sử dụng, nếu không được vệ sinh thường xuyên thì bụi bẩn sẽ bám vào lưới lọc, lâu dài sẽ bị kết thành tảng làm cho gió bị quẩn trong dàn lạnh mà không vào được ca-bin xe.
Trong trường hợp này cách khắc phục duy nhât là phải vệ sinh tấm lưới lọc ngay lập tức. Theo lời khuyên của những chuyên gia có kinh nghiệm ô tô lâu năm cho rằng, cần phải kiểm tra, vệ sinh và thay thế định kỳ tấm lọc gió sau thì mới có thể đảm bảo được khả năng làm mát của hệ thống.
Để xác định thời điểm thay lọc gió phù hợp phải dựa vào điều kiện vận hành nhiều bụi bẩn hay không . Thông thường sau mỗi khoảng 16.000 đến 24.000 km thì người dùng nên thay mới một lần. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp xe vận hành trong môi trường nhiều khói bụi thường xuyên thì có thể rút ngắn khoảng cách thời gian thay lọc gió và vệ sinh thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, nếu xe đã được vệ sinh lọc gió điều hoà nhưng vẫn không mát thì bạn cần kiểm tra đến các chi tiết liên quan khác. Lưu ý đối với những chiếc xe đã được sử dụng lâu năm thì có thể dẫn đến việc này là do nguyên nhân khác như dây cu-roa dẫn động lốc máy bị chùng hoặc trượt, hoặc do điều hòa bị thiếu ga do đường ống lão hóa gây rò rỉ, các gioăng bị hở... Nếu nguyên nhân là do các tình huống này thì bạn nên mang xe đến gara để được khắc phục.
Khi lọc gió đã được vệ sinh nhưng điều hoà trên ô tô vẫn không làm đủ độ mát theo nhu cầu của người dùng thì nguyên nhân thường là do dàn nóng và dàn lạnh. Trường hợp dàn nóng có vấn đề chủ yếu là do bụi bẩn bám nhiều nên không giải được nhiệt, không khí lạnh không lan tỏa được ra xung quanh để lùa vào khoang xe. Còn nếu dàn lạnh gặp trục trặc thì quạt gió bên trong điều hoà vẫn hoạt động nhưng lại không có gió thổi ra. Bụi bẩn bám đọng trong dàn lạnh lâu ngày sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn, nấm mốc và có mùi hôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của hành khách trên xe, đặc biệt là tài xế.
Khi phát hiện được nguyên nhân điều hoà làm lạnh không sâu xuất phát từ đây, chủ xe có thể sử dụng vòi xịt, rửa xe để phun rửa dàn nóng cho sạch bụi nhưng cần chú ý không dùng vòi xịt quá mạnh sẽ khiến các thanh tản nhiệt bị cong, vênh do chúng đều được làm từ nhôm rất thanh mảnh. Hơn nữa, các hệ thống điện xung quanh cũng cần chú ý che đậy cẩn thận, tránh nước bắn vào gây chập, cháy và hỏng các thiết bị xung quanh khác.
Điều hòa chết hẳn, không có tác dụng làm mát
Trường hợp này xảy ra cho thấy điều hòa ô tô của bạn đang gặp phải vấn đề rất nặng, nguyên nhân dẫn đến việc này là do ga (thiếu ga, thừa ga, phin lọc ga lâu ngày bị tắc) hoặc bộ cảm biến nhiệt và lốc lạnh bị hỏng.
Nếu bộ cảm biến nhiệt chuyển mạnh (thermostatic switch) bị hư hoặc điều chỉnh sai thì nhiệt độ trong họng gió chưa đạt khoảng 15 - 20 độ nhưng đã ngắt mạch điện trong khi nhiệt độ thông thường trên xe ô tô từ 6 - 9 độ còn xe tải là 8 - 12 độ.
Khi ga thiếu do bị xì ra ngoài sẽ khiến cho áp suất giảm xuống mức thấp hơn bình thường và thiếu lạnh là điều hiển nhiên. Lúc này, để bảo vệ hệ thống điện lạnh trên ô tô thì công tắc áp suất sẽ tự động ngắt, không cho lốc lạnh hoạt động bởi nếu trường hợp này mà lốc vẫn chạy thì sẽ làm trầy xước piston, xilanh, thậm chí cong gãy gây vỡ hỏng lốc. Đối với các dòng xe tải chủ xe cần đặc biệt chú ý điều này vì có thể thợ sửa chữa sẽ quên lắp công tắc áp suất bảo vệ hoặc lấy mất cảm biến áp suất ga khiến chúng ta không phát hiện được sự cố.
Ngược lại, trường hợp thừa ga nhưng cũng không làm tăng độ lạnh lên mà còn giảm đi rất nhiều. Áp suất sẽ cao hơn mức bình thường, van an toàn sẽ tự động xả hết ga để bảo vệ hệ thống. Mất hoàn toàn áp suất, lốc điều hòa sẽ ngừng hoạt động và do đó sẽ không thể làm mát. Tình trạng này có thể khiến giảm tuổi thọ của hệ thống điều hoà, làm nặng máy hơn, công suất động cơ giảm và tiêu tôn nhiên liệu của xe nhiều hơn trước, nặng nhất là bị nổ ống ga. Tài xế có thể chú ý phát hiện ra vấn đều này qua biểu hiện như lốc lạnh đóng ngắt liên tục hoặc máy chạy ghì hơn bình thường.
Để khắc phục vấn đề này bạn chỉ có cách đưa xe đến gara để được trợ giúp. Song bạn vẫn nên tìm hiểu kỹ mức sửa chữa điều hòa như thế nào để sẽ không bị “hớ” với những tay thợ sành sỏi.