Ảnh minh họa.
Những chi tiết của xe máy thường được làm từ các vật liệu kim loại, nhựa, cao su,... Những vật liệu này khi gặp nhiệt độ cao, kết hợp với việc động cơ hoạt động kéo dài sẽ sinh ra hiện tượng giãn nở.
Cụ thể, lớp vỏ của xe máy phổ thông dùng nhiều nhựa, cao su ở bên ngoài như yên, ốp, yếm, tay nắm, mặt đồng hồ, dây dẫn điện, lốp.... Đây là những chi tiết có độ lão hóa nhanh và kém bền hơn kim loại, nên việc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến độ bền suy giảm, gây ra hiện tượng lão hóa như nứt, giòn, bạc màu. Từ đó khiến lớp sơn trên bề mặt cũng ảnh hưởng theo.
Khi tưới nước lên xe hoặc động cơ xe máy sẽ dẫn tới tình trạng nhiệt độ của các thiết bị này bị giảm đột ngột. Điều này sẽ dẫn đến sự biến dạng các chi tiết trên xe.
Ngược lại, các chi tiết bằng kim loại như khung xe, lốc máy, bình xăng (trên xe phân khối lớn) hầu như không bị ảnh hưởng bởi việc dùng nước để làm mát xe khi trời nắng.
Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi di chuyển thời gian dài dưới thời tiết nắng nóng thì người dùng chỉ nên tắt máy, dựng xe nơi mát mẻ để động cơ cũng như những trang bị của xe hạ nhiệt dần dần. Khi có nhu cầu rửa xe, người dùng cũng cần phải chờ xe giảm bớt độ nóng để tránh những hư hỏng không đáng có.
Để giúp xe mát hơn trong những ngày nắng nóng, người sử dụng nên chú ý tới hệ thống làm mát. Kiểm tra xem lượng nước mát có còn đủ hay không, hoặc bộ phận lấy gió làm mát có bị cản trở hay không.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra dầu máy và thường xuyên rửa xe cũng là cách để đảm bảo xe vận hành ổn định hơn trong những ngày nắng nóng.