|
Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 81.609 ô tô, với tổng kim ngạch 1,8 tỷ USD. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Xe Thái Lan, Indonesia soán ngôi đầu bảng
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 12/2018, cả nước nhập 14.176 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt hơn 306 triệu USD. Kết quả này giảm nhẹ 2,5% so với tháng 11/2018 nhưng kim ngạch tăng 0,5%.
Tính chung cả năm 2018, cả nước nhập khẩu 81.609 ô tô, với tổng kim ngạch 1,8 tỷ USD, giảm 16,1% về số lượng và 19,8% về trị giá so với năm 2017.
Trong tổng số xe nhập khẩu, xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm nhiều nhất với 53.981 chiếc, tổng kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Xe ô tô tải nhiều thứ 2 với 24.188 chiếc, tổng kim ngạch 501 triệu USD. Xe trên 9 chỗ ngồi các loại đứng thứ 3, với 804 chiếc, tổng kim ngạch hơn 24 triệu USD.
Tốc độ sụt giảm của kim ngạch lớn hơn sản lượng chứng tỏ trị giá nhập khẩu bình quân mỗi xe trong năm 2018 thấp hơn so với năm 2017 trước đó.
Cũng theo thống kê, tháng 12 là tháng có kim ngạch nhập khẩu ô tô lớn nhất và số lượng đứng thứ 2 (sau tháng 11). Bốn tháng có số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ 10 nghìn xe trở lên. Hai tháng đầu năm sản lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu ít nhất, trong đó tháng 1 có 340 xe và tháng 2 có 222 xe.
Nguyên nhân, do những tháng đầu năm 2018 , các hãng xe đều gặp vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP liên quan đến điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu (có hiệu lực ngày 1/1/2018) nên lượng xe nhập khẩu đột ngột giảm mạnh.
Tình hình chỉ trở nên khởi sắc hơn từ tháng 3 với 3.676 xe được nhập khẩu. Số lượng xe nhập chủ yếu có xuất xứ Thái Lan, và ưu thế tiếp tục được quốc gia này duy trì đến nay.
Thái Lan là nước xuất khẩu ô tô nhiều nhất sang thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi từ khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Thái Lan cấp, tạo điều kiện để các hãng đưa những lô hàng đầu tiên về nước.
Chớp thời cơ nhanh nhất là hãng xe Honda với việc đưa hàng nghìn xe được hưởng thuế suất thuế Nhập khẩu ưu đãi 0% như CR-V, Civic, Jazz, Accord…
Sau Thái Lan, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia cũng tăng mạnh và 2 quốc gia Đông Nam Á là những thị trường chiếm ưu thế lớn nhất về hoạt động nhập khẩu ô tô của Việt Nam trong năm 2018, bỏ xa các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ hay thị trường mới nổi là Ấn Độ…
Năm 2018, sản lượng ô tô nhập từ Thái Lan đạt 55.364 xe, tổng kim ngạch 1,089 tỷ USD; từ Indonesia là 17.146 xe, tổng kim ngạch 269 triệu USD.
Như vậy, riêng 2 thị trường nêu trên chiếm tới 88,8% tổng sản lượng, 75% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô cả nước trong năm 2018.
Trong năm 2018, Việt Nam cũng chi hơn 3,5 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô các loại. Ngoài ra, Việt Nam cũng chi 654 triệu USD nhập khẩu xe máy và linh kiện, phụ tùng liên quan.
Cả năm cả nước bán hơn 288 nghìn xe
Theo thông báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng thị trường ô tô Việt Nam cả năm 2018 đạt 288.683 xe, tăng gần 6% so với năm 2017. Như vậy mức tăng trưởng trong năm 2018 kém xa so với mục tiêu 10% đặt ra từ đầu năm.
Tuy không tăng trưởng mạnh nhưng có nhiều dấu hiệu tích cực đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Theo đó, doanh số xe lắp ráp tăng tới 10,6% so với năm trước, đạt 215.704 xe bán ra.
Bên cạnh đó, không nằm trong VAMA nhưng Hyundai Thành Công (HTC) cũng đã có một năm kinh doanh tăng trưởng rất tốt. HTC đã chuyển sang lắp ráp hầu như toàn bộ sản phẩm từ đầu năm 2018 và tính đến hết năm, doanh số đạt được là 63.562 xe ô tô các loại, tăng gấp đôi (tăng 106%) lượng xe bán ra của năm 2017.
Trong tháng 12, Accent tiếp tục giữ vị trí đầu bảng với 1,834 xe bán ra. Grand i10 đứng thứ 2 với 1,436 xe, cộng dồn cả năm đạt 22,068 xe, là mẫu xe bán chạy nhất của Hyundai Thành Công năm 2018.
Kona giữ vững đà tăng trưởng với 859 xe bán ra trong tháng 12, tăng 8% so với tháng trước, cộng dồn 4 tháng đạt 2,717 xe.
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) cũng cho hay, năm 2018, doanh số bán hàng của họ đạt mức tăng trưởng kỷ lục với 65.856 xe (không bao gồm Lexus), tăng 11% so với năm 2017, nâng tổng doanh số bán tích lũy đạt 518.742 xe. Trong đó, Vios luôn là mẫu xe dẫn đầu thị trường và đặc biệt trong tháng 12 vừa qua Vios đã đạt mức kỷ lục mới với 3.600 xe. Các mẫu xe khác như Innova và Fortuner cũng nằm trong số những mẫu xe bán chạy nhất năm 2018.
Đáng chú ý, lượng xe sản xuất trong nước của TMV năm qua đạt 52.662 xe, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng sản lượng tích lũy lên 480.735 xe. Đến nay, Toyota đã trở thành doanh nghiệp ô tô FDI có tỉ lệ nội địa hóa cao trong ngành với trên 400 chi tiết. Số lượng nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của Toyota đã tăng lên 33 nhà cung cấp, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam. TMV cho biết, sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa cao hơn nữa để tăng năng lực cạnh tranh của các dòng sản phẩm nội địa.
TMV đã đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 699 triệu USD trong năm vừa qua, nâng tổng số đóng góp thuế từ ngày thành lập đến nay lên tới gần 7,7 tỉ USD.
Trong khi đó, với Ford Việt Nam, Ranger giữ vững ngôi vị là chiếc bán tải bán chạy nhất tại Việt Nam trong năm 2018 - năm thứ 5 liên tiếp - với doanh số cả năm lên tới 8.675 chiếc. Trong tháng 12, doanh số bán lẻ của liên doanh này cao kỉ lục tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng trưởng tới 56% so với cùng kì năm ngoái, tương đương với 3.959 xe bán ra.
Tháng kỷ lục này được thúc đẩy bởi doanh số ấn tượng trên toàn bộ dòng sản phẩm của Ford tại Việt Nam, với Ranger, Everest và EcoSport đã mang tới kết quả bán hàng theo tháng cao nhất từ trước đến nay. Mẫu xe SUV đô thị EcoSport thịnh hành cũng góp phần đáng kể vào doanh số kỷ lục của Ford khi kết thúc năm 2018, EcoSport tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu phân khúc SUV cỡ nhỏ với tổng doanh số cả năm tăng 22%, tương đương 4.844 xe bán ra.
Theo nhiều chuyên gia dự đoán, năm 2019, khi thị trường ô tô đã ổn định hơn về mặt chính sách cũng như không còn vướng mắc trong việc nhập khẩu xe, thị trường ô tô sẽ có bước đột phá mới.