|
Do giá xăng tăng cao, nhiều người chỉ dùng ô tô vào những dịp đi xa hoặc cuối tuần. |
Áp lực lên "ví tiền"
Anh Phùng Thanh Tuấn (35 tuổi, trú tại Hà Đông) cho biết, cách đây khoảng 4 năm, gia đình anh có sắm 1 chiếc xe 7 chỗ cũ cho tiện đi lại, cùng với phục vụ cho nhiều mục đích khác như về quê ngày lễ tết, đi chơi xa cuối tuần... Đặc biệt hơn cả, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, quãng đường từ nhà đến cơ quan ở trong trung tâm TP cả đi và về khoảng 20km trở nên an toàn và an tâm hơn so với việc đi xe máy.
Cũng tại thời điểm đó, giá xăng chỉ khoảng 13.000 đồng/lít, trung bình mỗi tháng "nuôi" khoảng 1 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi chạm ngưỡng 31.500 đồng/lít khiến anh Tuấn cảm thấy "xót" mỗi khi dùng ô tô.
"Tháng trước tôi phải chi 4 triệu đồng tiền xăng, cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đây. Khi TP trở lại "bình thường mới", đường phố trở về đông đúc, tắc nghẽn. Trục đường tôi thường hay đi trước đây (Nguyễn Trãi - Tây Sơn) từ 20 - 25 phút, giờ đôi khi phải hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến cơ quan" - anh Tuấn cho hay.
Trong tình trạng tương tự, anh Phạm Hải Đăng (trú tại Xuân Thuỷ, Cầu Giấy) chia sẻ, tuyến đường Xuân Thuỷ luôn có lưu lượng phương tiện cao nên thường hay ùn ứ, khiến các xe thường phải đi chậm, hay rà phanh càng khiến chiếc xe của anh ngốn nhiều xăng hơn, có lúc đồng hồ báo mức tiêu thụ nhiên liệu đến 30 lít/100km. Nếu tính ra trung bình khi sử dụng trong phố cũng hết 14 - 15 lít/100km, gần gấp đôi so với việc đi "bon bon" trên cung đường này trước đây.
Bên cạnh đó, anh Đăng cho biết thêm, thời gian gần đây mỗi khi mưa lớn, nhiều tuyến đường TP thường xuyên ngập sâu khiến không ít ô tô bị chết máy, ngập nước, buộc phải đi kiểm tra, sửa chữa mức độ thiệt hại nhẹ thì 1 -2 triệu, còn nếu xe bị hư hại về máy móc, động cơ (thủy kích) thì con số này có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng tùy thuộc vào loại xe. Đồng thời, những chiếc xe này đã dính "dớp" ngập nước, sau này bán lại rất mất giá.
"Tắc đường, ngập lụt cùng với giá tăng cao đôi lúc khiến tôi phát sợ khi phải động đến ô tô. Thế nên, tôi quyết định sẽ lại sử dụng xe máy để đi làm hàng ngày như trước đây cho nhẹ nhõm đầu óc. Còn ô tô tạm thời sẽ chỉ sử dụng vào trường hợp đột xuất, đi xa hoặc cuối tuần mà thôi" - anh Đăng cho hay.
Chặn đà tăng xăng dầu
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga - Ukraine tác động đến nguồn cung và tăng giá bán xăng dầu trên thị trường thế giới. Theo đó, giá xăng dầu thế giới bình quân tính đến kỳ điều hành ngày 21/05 có xu hướng tăng giá so với kỳ điều hành những ngày đầu năm lên đến 42,9 - 56,97% tùy từng mặt hàng.
Lý giải về nguyên nhân, Bộ Công Thương cho rằng chủ yếu do nguồn cung xăng dầu khan hiếm cùng với lạm phát tăng cao tại một nước lớn như Mỹ và một số nước Châu âu cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới tăng. Việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao dẫn đến tác động trực tiếp làm tăng giá xăng dầu trong nước.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tính toán, cân đối sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu; qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh là giải pháp cần thiết.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì) ban hành 13 văn bản điều hành xăng dầu. Trong đó, mặt hàng xăng là 10 lần tăng giá và 3 lần giảm giá; dầu điêzen có 10 lần tăng giá và 3 lần giảm; dầu hỏa có 9 lần tăng giá, 3 lần giảm và 1 lần giữ ổn định giá; dầu madut có 8 lần tăng giá, 3 lần giảm và 2 lần giữ ổn định giá.
|
Cơn mưa lớn vừa qua tại Hà Nội khiến không ít ô tô chết máy, ngập nước, gây thiệt hại nặng cho chủ xe.
|
Bộ Tài chính cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước bối cảnh của dịch bệnh và chiến tranh đang diễn ra, tiếp sau việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, cần thiết phải có phương án điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu, tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN, đồng thời, đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam ký kết.
Phương án này mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước, do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu FTA là 8% nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông.
Từ đó, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Bộ Tài chính cho biết thêm mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý, từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt và vẫn đảm bảo được dư địa đám phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Về điều hành giá, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo, tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ BOG một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.
|