Xe điện sẽ là ngành thu hút FDI vào Việt Nam

THÀNH LUÂN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Với việc nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy thân thiện với môi trường sẽ là hướng đi đúng đắn, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI).

Xe dien se la nganh thu hut FDI vao Viet Nam - Hinh anh 1
 Nhà máy sản xuất Vinfast tại Việt Nam.

Nhiều tiềm năng

Theo báo cáo Bộ Công Thương, triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt, hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như hybrid, xe máy điện, ô tô điện, tiến tới là xe tự lái.

Còn với số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 chỉ có 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến năm 2021 có thêm hơn 1.000 xe. Tất cả số xe trên đều nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Đến nay, VinFast đang là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Việt Nam. Cuối năm ngoái, hãng xe Việt đã mở bán dòng xe SUV C cỡ nhỏ chạy thuần điện đầu tiên trên thị trường, mẫu VFe34. Tín hiệu từ thị trường cho thấy, đã có gần 4.000 đơn đặt hàng chỉ sau 12 giờ đầu tiên và hơn 25.000 đơn đặt hàng sau 3 tháng. Mới đây nhất, chiếc VinFast VF 5 Plus cũng đã nhận hơn 3.200 đơn đặt hàng sau chưa đầy một ngày mở bán.

VinFast cho hay việc tăng cường hoạt động sản xuất tại Việt Nam với một khu phức hợp tại chỗ ở Hải Phòng đã giúp công ty tiết kiệm chi phí và hiệu quả hậu cần cho các bộ phận và nguồn cung của họ.

“Hoạt động sản xuất của chúng tôi tại Việt Nam có lợi thế đáng kể về chi phí để tìm nguồn cung ứng và linh kiện bởi khoảng 60% linh kiện cho xe điện (không bao gồm pin) được cung ứng từ các nhà cung cấp tại Việt Nam. Hầu hết trong số đó là các nhà cung cấp quốc tế lâu đời, dựa trên tổng giá trị của các bộ phận được sản xuất hoặc đóng gói tại Việt Nam theo tỷ lệ phần trăm trong tổng chi phí vận chuyển tính đến ngày 30/9/2022”, phía VinFast cho hay.

Hiện VinFast có một số nhà cung cấp chính tại chỗ ở Hải Phòng như ZF, Forvia và Lear Corporation. VinFast cho biết đang có kế hoạch mở rộng khu phức hợp tại Hải Phòng với các nhà cung cấp từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hãng xe Việt cho biết đang có mối quan hệ với khoảng 620 nhà cung cấp khác trên toàn cầu. Một trong những đối tác quan trọng nhất của họ là VinES, nhà cung cấp pin chính và đang trong quá trình phát triển năng lực sản xuất pin tại Việt Nam.

Cần nhanh hơn trên thị trường xe điện

Báo cáo của VNDirect cho rằng, trong 10 tháng đầu năm, vốn FDI (đầu tư nước ngoài) đăng ký của Việt Nam giảm 5,4% so với cùng kỳ, xuống 22,5 tỷ USD. Trong khi vốn FDI thực hiện vẫn tăng trưởng tốt 15,2% so với cùng kỳ, lên 17,5 tỷ USD.

Báo cáo nhận định rằng Việt Nam nằm trong top các quốc gia thu hút vốn FDI tốt nhất khu vực trong năm 2022. Việt Nam có sức hút vững chắc nhờ vị trí gần Trung Quốc, giá thuê đất thấp, chi phí năng lượng cạnh tranh và lao động lành nghề.

Tuy nhiên, đang có sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các quốc gia khác và Việt Nam hiện đang tụt lại phía sau trong việc thu hút dòng vốn FDI vào ngành xe điện và công nghiệp bán dẫn, theo báo cáo.

Xe dien se la nganh thu hut FDI vao Viet Nam - Hinh anh 2
 Sự phát triển của ngành xe điện và bán dẫn sẽ định hình bối cảnh đầu tư tại ASEAN.
Việc Indonesia ban hành Luật Omnibus trong năm 2020 đã mang đến nhiều cơ hội đầu tư và hoạt động cho các công ty nước ngoài vào quốc gia này. Kể từ đó, dòng vốn FDI vào Indonesia tăng trưởng tích cực 10% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tăng 46% so với cùng kỳ lên 31 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

VNDirect chỉ ra rằng Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia nhận được nhiều vốn FDI nhất. Nếu như Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử thì Indonesia lại hướng đến phát triển chuỗi cung ứng xe điện.

Chuyên gia từ công ty chứng khoán này dự báo rằng sự phát triển của ngành xe điện và bán dẫn sẽ định hình bối cảnh đầu tư tại ASEAN. Những sự thay đổi lớn trong hai ngành này bao gồm thu hút nhiều loại hình nhà đầu tư mới, gia tăng thêm các phân khúc mới trong chuỗi giá trị, mở rộng công suất và tham gia nhiều hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực.

Do tiềm năng về thu hút vốn đầu tư FDI của hai ngành này trong các năm tới tiếp tục tăng cao, các nước trong khu vực đã tích cực đẩy mạnh hút vốn FDI cho sản xuất xe điện, bao gồm cả sản xuất pin, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện.

Tuy nhiên, theo VNDirect, Việt Nam đang chậm hơn so với các nước khác trong xu hướng này, khiến cho Việt Nam có thể bị giảm sức hấp dẫn trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h