|
Ảnh minh họa |
Khảo sát tại một số cửa hàng, đại lý kinh doanh xe ô tô cho thấy, từ đầu tháng 10 đến nay, có khoảng 30 mẫu xe được giảm giá bán từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/chiếc, hoặc ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng. Cụ thể, mẫu xe Subaru Forester 2.0i tùy vào từng phiên bản, giá bán giảm từ 119 - 200 triệu đồng/chiếc. Tiếp đến, Chevrolet Trailblazer giảm 100 triệu đồng trong tháng 10 cho cả 3 phiên bản 2.5L, hiện giá bán sau khuyến mại của Trailblazer 2.5L từ 785 triệu đồng/chiếc.
Phiên bản Mazda CX-5 2.0 Premium và 2.0 Deluxe giảm giá 40 triệu đồng/chiếc, giá mới lần lượt là 949 triệu đồng và 859 triệu đồng. Xe Peugeot 508 có mức giảm kỷ lục 140 triệu đồng so với giá niêm yết xuống còn 1,16 tỷ đồng/chiếc; đặc biệt mẫu xe Audi Q7 và Q5 có mức giảm cao lần lượt 300 và 200 triệu đồng/chiếc. Với phân khúc hạng B, Mazda 2 giảm 70 triệu đồng/chiếc, Vios giảm 40 - 60 triệu đồng/chiếc, Honda City giảm 30 - 50 triệu đồng/chiếc, Nissan X-Trail giảm 80 triệu đồng/chiếc, Honda CR-V giảm 25 triệu đồng/chiếc.
Lý giải nguyên nhân khiến giá xe ô tô những tháng cuối năm nay giảm mạnh, đại diện Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, 10 tháng qua, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước của các DN thành viên VAMA đạt 153.144 chiếc và xe nhập khẩu của toàn ngành là 106.138 chiếc. Lượng xe sản xuất và nhập khẩu tăng cao trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. “10 tháng qua, ước tính có 240.000 chiếc xe sản xuất, lắp ráp trong nước được tiêu thụ, lượng xe trong nước sản xuất đang ế khoảng 40.000 chiếc các loại, xe nhập khẩu khoảng 15.000 chiếc chưa được tiêu thụ.
Tính chung cả thị trường ô tô, còn hơn 50.000 xe ế ẩm, tương đương với 2 tháng bán hàng” - đại diện VAMA phân tích. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long, lý do khiến lượng xe ô tô dư thừa là do các hãng sản xuất đưa ra dự báo tình hình thị trường tiêu thụ chưa sát với thực tế. “Vào thời điểm đầu năm 2019, các hãng xe ô tô dự kiến thị trường tiêu thụ sẽ đạt mức 30% nhưng đến thời điểm này, mức tăng thực tế chỉ đạt 15 - 17%, vì vậy các hãng sản xuất, nhập khẩu xe ô tô phải giảm giá bán là điều không thể tránh khỏi” - ông Đào Phan Long nhận định.
Dự báo từ nay đến đầu năm 2020, nguồn cung xe vẫn nhiều. Cùng với đó, thị trường xe ô tô còn xuất hiện thêm nhiều mẫu xe mới, kể cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Vì vậy, các DN phải giảm giá bán để tiêu thụ hết xe tồn kho. Ngoài ra, Nghị định 116 đang được sửa đổi theo hướng bỏ kiểm tra chất lượng ô tô theo lô, thay bằng kiểm tra theo mẫu nên lượng xe nhập khẩu sẽ về Việt Nam nhiều hơn với chi phí giảm, nên giá xe nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm và kéo theo các mẫu xe ô tô trong nước sản xuất tiếp tục giảm giá. Đến lúc đó, người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận các mẫu xe ô tô giá rẻ.