Bài 1: Cuộc lột xác ngoạn mục
|
Theo dõi hành trình của xe tại Trung tâm điều hành xe buýt Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Xe buýt đã xuất hiện tại Hà Nội từ rất lâu, nhưng suốt một thời gian dài chưa phát huy hết được vai trò tích cực của mình trong sự phát triển chung của xã hội. Từ năm 1998, cùng với sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của TP, xe buýt Hà Nội đã thực sự lột xác trở thành loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chính yếu, hữu ích của Thủ đô.
Bước ra từ quên lãng
Hà Nội đã có mạng lưới xe buýt từ khá sớm, nhưng suốt một thời gian dài hầu như không phát huy được mấy hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga chia sẻ: “Trước năm 1998, xe buýt vẫn được duy trì vận hành nhưng manh mún, nhỏ lẻ, phương tiện cũ kỹ, lạc hậu, chất lượng dịch vụ rất thấp. Chính vì vậy, đại đa số người dân không mặn mà và hầu như quên mất sự tồn tại của loại hình VTHKCC này”. Phải đến năm 1998, khi chính quyền TP đặt mục tiêu xây dựng, phát triển mạng lưới VTHKCC hiện đại, chất lượng cao, xe buýt mới thực sự có cơ hội để vượt lên sự trì trệ của chính mình.
Tháng 9/1998, Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) được thành lập với nhiệm vụ tham mưu cho Sở GTVT và TP trong công tác quản lý, điều hành hệ thống VTHKCC. Từ thời điểm đó, xe buýt Hà Nội đã thực sự bắt đầu lột xác ngoạn mục. Được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của chính quyền TP, xe buýt đã từng bước phát triển toàn diện. Những năm đầu thế kỷ XXI, hình ảnh chiếc xe buýt 2 màu vàng - đỏ đã trở nên rất hấp dẫn với người dân Thủ đô.
Chị Lê Hoàng Lan (Thanh Xuân) chia sẻ: “Năm 2001, khi còn là sinh viên, xe buýt Hà Nội đã khiến chúng tôi “mê mẩn”. Xe buýt đẹp, có điều hòa mát lạnh, dừng đúng điểm, đi đúng giờ, giá vé đồng hạng chỉ 2.000 - 3.000 đồng/vé, cực kỳ phù hợp với đa số người dân”.
Chị Lan còn cho rằng, đó chính là thời điểm ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất của xe buýt Hà Nội khi thay đổi hoàn toàn diện mạo và chất lượng dịch vụ. “Từ chỗ gần như bị quên lãng, xe buýt đã thực sự trở nên gần gũi với người dân, thậm chí trở thành một nét văn hóa của Thủ đô” - chị Lan nhìn nhận.
|
Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Hải |
Hiệu quả thiết thực
Giám đốc Tramoc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trong 10 năm, từ 1998 - 2007, mạng lưới tuyến của Hà Nội được mở rộng đến hầu hết các quận, huyện, lượng phương tiện tăng lên đến gần 1.200 xe. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ xe buýt đã thay đổi hoàn toàn, chinh phục người dân, lượng hành khách đi xe buýt tăng liên tục.
Năm 2008, Hà Nội đã mở rộng ra gấp hơn 3 lần, trong đó chủ yếu là toàn bộ khu vực địa giới hành chính thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) với nhiều huyện nông thôn. Từ đó tới nay, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải, trong đó có mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên toàn địa bàn TP. Tính đến thời điểm này, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội đã có 110 tuyến; bao gồm 91 tuyến trợ giá và thí điểm; 10 tuyến không trợ giá; 9 tuyến kế cận. So với năm 2008, số lượng tuyến xe buýt đã tăng 64%.
Hệ thống hạ tầng xe buýt cũng được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ trong công tác duy tu, duy trì và đầu tư mới, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xe buýt của người dân, nhất là khu vực ngoại thành. Hiện cả TP có hơn 2.725 điểm dừng đỗ xe buýt (tăng 133% so với năm 2008); 370 nhà chờ (tăng 30% so với năm 2008); 96 điểm đầu cuối (tăng 77,7% so với năm 2008), 5 điểm trung chuyển; và trên 18,2km đường dành riêng cho xe buýt.
Cũng trong 10 năm qua, mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã gia tăng thêm 1.769 phương tiện (tăng 582 xe so với năm 2008). Sản lượng hành khách được vận chuyển bằng xe buýt trong vòng 10 năm qua đã đạt 430 triệu lượt.
Có thể coi 20 năm qua là cuộc lột xác vô cùng ngoạn mục của xe buýt Hà Nội. Từ cơ chế hỗ trợ, giảm giá vé, đầu tư phương tiện, mở rộng mạng lưới cho đến công tác quản lý, duy trì chất lượng dịch vụ đều đạt được những thành công quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực cho Nhân dân Thủ đô.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga
(Còn nữa)