Thời gian qua, tình trạng học sinh đi xe gắn máy phân khối lớn đến trường; điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu… diễn ra phổ biến ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều này vừa gây mất an toàn giao thông, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, làm thiệt hại về người, tài sản cho gia đình và cộng đồng.
Tiêu biểu là vụ tai nạn giao thông vào đầu tháng 10/2024, trên đường ĐH 521, đoạn qua thôn Độc Lập (xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi) làm một học sinh tử vong tại chỗ.
Nạn nhân là em T.M.T (15 tuổi). Tai nạn xảy ra khi em T điều khiển xe máy có dung tích trên 50 phân khối đến trường. Khi đến vị trí trên va chạm với xe đạp do em L.H.M.Q (9 tuổi) đi ngược chiều, sau đó T.M.T tiếp tục va chạm với xe ô tô biển kiểm soát 76K-86xx do T.Q.T điều khiển.
Hoặc như trên QL24 đoạn qua địa bàn xã Ba Tô (huyện Ba Tơ) liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa các xe máy làm 3 người tử vong, 4 người bị thương. Đáng chú ý, trong số 7 nạn nhân có 4 trường hợp dưới 18 tuổi và đang theo học tại các trường THCS, THPT trên địa bàn.
Ngoài các trường hợp trên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn nhiều vụ tai nạn liên quan đến học sinh dẫn đến chết người và thương tích khác.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Quảng Ngãi, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 286 vụ tai nạn giao thông, làm chết 135 người, bị thương 229 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng hơn 2,4 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 57 vụ, tăng 17 người chết, tăng 46 người bị thương). Trong đó, độ tuổi dưới 18 tuổi là 61 người, chiếm gần 17%.
Trước thực trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý. Theo đó, rất nhiều trường hợp học sinh đi xe gắn máy trên 50 phân khối bị xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đã dừng kiểm soát gần 6.100 trường hợp; lập biên bản 1.645 trường hợp vi phạm; xử phạt trên 1.500 trường hợp, với số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Riêng đợt ra quân cao điểm từ đầu tháng 10 đến nay, các đơn vị trên toàn tỉnh đã lập biên bản 385 trường hợp, phạt tiền gần 800 triệu đồng, tạm giữ 384 phương tiện.
Phần lớn hành vi vi phạm là chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện với 363 trường hợp, ngoài ra còn có các hành vi khác như: không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm…
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng lập biên bản xử phạt hành chính 359 trường hợp là phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ tuổi sử dụng tham gia giao thông.
Thực tế, qua ghi nhận tại khu vực các trường THPT trên địa bàn TP Quảng Ngãi như: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình, Hoàng Văn Thụ... không khó để phát hiện nhiều trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 50 phân khối. Phần lớn học sinh gửi xe máy ở nhà người dân hoặc các điểm giữ xe tự phát gần trường.
Theo Thượng tá Vũ Thanh Giang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Ngãi, để xử lý triệt để tình trạng vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh, ngoài xử lý hành vi vi phạm của các cháu, lực lượng CSGT còn phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các xã tra cứu nhân thân các cháu nhằm làm rõ chủ phương tiện để có biện pháp xử lý. Trong đó, xử lý nghiêm chủ phương tiện là cán bộ, đảng viên, người tham gia trong lực lượng vũ trang.
Thượng tá Giang cho rằng, để học sinh không đi xe máy đến trường, tham gia giao thông trên đường trước hết cần sự chung tay của các cấp, ngành, đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các tuyến xe buýt, xe đưa đón học sinh.
Đồng thời, cha mẹ, chủ phương tiện phải cương quyết không giao xe, tăng cường giáo dục con cái... mới có thể xóa triệt để tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông học đường và cũng là cách bảo vệ tính mạng con mình.
Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn quán triệt nghiêm công tác tuyên truyền, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Có biện pháp xử lý phù hợp để răn đe học sinh khác.
Hà Phương