Bức xúc dân sinh
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 6 địa phương của Phú Xuyên, gồm xã: Nam Phong, Phúc Tiến, Đại Xuyên, Châu Can, Phú Yên và thị trấn Phú Xuyên với hơn 10km, thời gian qua luôn được huyện Phú Xuyên vào cuộc giải tỏa, xử lý vi phạm, thu dọn tổng vệ sinh môi trường khu vực hành lang đường và rào chắn lối mở tự phát.
Vào những ngày cuối năm 2024, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương vào cuộc tổng vệ sinh môi trường dọc toàn tuyến, tuy nhiên, sau 3 lần gửi thông báo đề nghị Công ty CP đường sắt Hà Ninh phối hợp thực hiện nhiệm vụ nhưng doanh nghiệp đã phớt lờ, thoái thác trách nhiệm phó mặc cho địa phương.
Để mục sở thị nội dung phản ánh, phóng viên đã về khảo sát dọc toàn tuyến nhận thấy, riêng với 2km hành lang đường sắt khu vực thị trấn Phú Xuyên còn rất nhếch nhác, phản cảm bởi hàng trăm các cấu kiện bê tông, ray đường sắt, tà vẹt… vẫn nằm chỏng chơ ở ven hành làng đường sắt, đặc biệt là khu vực gần ga Phú Xuyên nhìn rất phản cảm.
Tại khu vực trung tâm thị trấn Phú Xuyên, để tạo cảnh quan cho khu vực, người dân địa phương đã xã hội hóa để trồng cây hoa và rào chắn xung quanh khu vực, đồng thời yêu cầu Công ty CP đường sắt Hà Ninh vận chuyển hàng chục cấu kiện bê tông, tà vẹt vào trong khu vực trung tâm ga, tuy nhiên, doanh nghiệp phớt lờ đề nghị này khiến người dân bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, nhà số 726, chợ Lịm, Thị trấn Phú Xuyên cho biết, nhiều năm qua khu vực phía trước cửa nhà tôi sau khi Công ty CP đường sắt Hà Ninh cải tạo, nâng cấp thay thế các cấu kiện bê tông, ray đường sắt, tà vẹt đã không thu dọn vào khu vực ga mà vứt chỏng chơ ở ven hành lang đường sắt nhìn như đống phế thải xây dựng.
Đây chính là yếu tố sau khi cán bộ cùng người dân địa phương tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tạo cảnh quan, mỹ quan cho khu vực thì những ngày gần đây người dân qua đường đã tiện tay vứt bừa bãi rác thải vào các khu vực để cấu kiện bê tông, ray đường sắt, tà vẹt khiến cho nơi đây lại trở thành điểm tập kết rác thải như trước.
Bí thư Đảng ủy Thị trấn Phú Xuyên Nguyễn Văn Chương cho rằng, thực trạng việc Công ty CP đường sắt Hà Ninh thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp thu dọn, vận chuyển các cấu kiện bê tông, ray đường sắt, tà vẹt đi nơi khác đã tồn tại từ nhiều năm qua gây ra bức xúc cho người dân và cán bộ địa phương.
Không những vậy, nhiều vị trí do các cấu kiện bê tông, ray đường sắt, tà vẹt được tập kết ngay tại chân hàng rào chắn bảo vệ đường sắt khiến người dân ngang nhiên vứt rác thải ra các vị trí đã gây ô nhiễm môi trường và tắc hệ thống cống tiêu thoát nước cục bộ mỗi khi khi trời có mưa gây ngập úng.
Doanh nghiệp cần chấp hành quy định
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận Thị trấn Phú Xuyên dài hơn 2 km do Công ty CP đường sắt Hà Ninh quản lý đang tái diễn tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt do chính đơn vị doanh nghiệp quản lý vi phạm các quy định là đúng.
Cùng với đó còn có một số lối mở tự phát chủ yếu do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ, không phải đi ra đường gom, đường ngang có cảnh báo, gác chắn của ngành Đường sắt. Điều này đã khiến nhiều vụ tai nạn xảy ra liên quan đến việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
Theo rà soát của Cục Đường sắt Việt Nam, có tới 70% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra hiện nay tại các vị trí lối mở, vị trí không an toàn qua đường sắt, trong đó đáng chú ý là các vi phạm hành lang an toàn đường sắt làm che khuất tầm nhìn lái tàu. Thực tế, đường sắt ít xảy ra tai nạn giao thông, nhưng mỗi khi tai nạn xảy ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, để ngăn chặn tai nạn, vi phạm hành lang an toàn đường sắt, công tác phối hợp giữa ngành đường sắt, Công ty CP đường sắt Hà Ninh cần phối hợp cùng chính quyền cơ sở tăng cường quản lý, bảo đảm ATGT nói chung và dọc tuyến đường sắt Phú Xuyên hiện nay nói riêng là vấn đề cấp thiết.
Nghị định 56/CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Phạt tiền 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt...
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc đưa phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa… ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt. Như vậy, Công ty CP đường sắt Hà Ninh phải thu dọn cấu kiện bê tông, ray đường sắt, tà vẹt đi nơi khác là việc phải thực hiện.
Cũng theo quy định tại Nghị định 56/CP, hành lang ATGT đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, bảo đảm ATGT đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Cũng theo quy định này, phạm vi bảo vệ hai bên hành lang đường sắt theo phương ngang đối với đường sắt xác định khoảng cách an toàn 5m tính từ chân nền đường sắt đi ngoài đô thị và khoảng cách 3m tính từ chân nền đường sắt đi trong đô thị có công trình phòng hộ.
Thiết nghĩ, để công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt hiệu quả, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành ATGT của người dân và doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và triệt để hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc phối hợp liên ngành giải tỏa hành lang an toàn đường sắt. Tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.