Chìm trong áp lự
Hai tuyến đường Vành đai 2 và 3 đều có đặc điểm chung là tuyến đường xuyên tâm, đi qua những khu vực có tốc độ đô thị hoá cũng như gia tăng dân số cơ học vào bậc nhất của Hà Nội, bao gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa… Tuyến đường Vành đai 2,5 đang được triển khai với lộ trình Đầm Hồng - QL1 - Hoàng Đạo Thúy, cũng được dự kiến sẽ tải thêm lượng phương tiện rất lớn qua khu vực này.
Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Thiếu tá Đặng Hồng Giang nhận định, mạng lưới giao thông khu vực rất thiếu tính kết nối, đặc biệt là những tuyến đường ngang, liên kết các vành đai. “Hiện áp lực giao thông dồn chủ yếu vào các nút giao: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Láng - Lê Văn Lương. Không ít người dân buộc phải lưu thông qua các nút giao này vì không còn lựa chọn khác” - Thiếu tá Đặng Hồng Giang chia sẻ.
Ngã Tư Sở thường xuyên UTGT chưa có lối thoát
|
Tương tự, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) do quá tải hạ tầng ngày càng diễn biến phức tạp trên các tuyến đường: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… Dân cư tại khu vực dọc bên đường Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng gia tăng không ngừng, nhu cầu đi - đến, qua lại những khu vực này ngày một lớn. Trung tá Nguyễn Đức Thắng nhận định: “Khi Vành đai 2 và 2,5 được đưa vào sử dụng, các nút giao lớn như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng sẽ không thể chịu nổi áp lực, nguy cơ rơi vào ùn tắc cục bộ nặng nề”.
Toàn bộ khu vực Tây - Nam Thủ đô hiện chỉ có 3 tuyến chính kết nối ngang qua ba vành đai kể trên, gồm: Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương. Trong đó, tuyến Giải Phóng thực chất là một hợp phần của QL1 cũ; Nguyễn Trãi thì nằm trên trục QL6, đều là những tuyến đường ra vào cửa ngõ, mang theo áp lực giao thông rất lớn từ một số huyện ngoại thành và cả các tỉnh lân cận vào trung tâm Hà Nội. Trên thực tế, ba Vành đai: 2, 2,5 và 3 chưa có một tuyến kết nối nào thực sự hiệu quả để phân giải áp lực giao thông trong nội bộ khu vực.
Mảnh ghép đặc biệt
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ: “Xây dựng mạng lưới giao thông cũng giống như một trò chơi xếp hình. Có những mảnh ghép vô cùng quan trọng, cần phải được thực hiện trước. Ví dụ như tuyến đường nối ba vành đai tại khu vực Tây - Nam Hà Nội”. Ông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, để cả hai hướng lưu thông qua khu vực Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai thuận lợi, TP nên nhanh chóng xây dựng một tuyến đường nằm giữa hai tuyến: Nguyễn Trãi, Giải Phóng. Tuyến đường này thậm chí còn có thể kết nối thẳng đến Vành đai 1 trong trung tâm TP, và vươn ra khỏi Vành đai 3, song song với QL6, QL1, mở thông hướng liên kết cho đến các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình…
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, trên thực tế đã có một “mảnh ghép” quan trọng đáp ứng đòi hỏi đó. Đó là dự án đường kéo dài từ Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn - Nguyễn Xiển, vắt qua địa bàn 2 quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, kết nối đến Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu. Trên lộ trình tuyến đường này đi qua, nó sẽ mở ra hướng giải toả áp lực cho các đường Vành đai 2, 2,5 và 3; chia sẻ phần không nhỏ lưu lượng giao thông của các tuyến Nguyễn Trãi, Giải Phóng. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa thể triển khai, trong khi người dân đang rất chật vật với vấn nạn UTGT tại khu vực cửa ngõ Tây - Nam Thủ đô.
Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
"Với nỗ lực rất lớn, nhiều năm qua, Hà Nội đã khai thông cửa ngõ Tây - Nam Thủ đô bằng các tuyến Vành đai 2, 2,5 và 3. “Nhưng mở được cửa ngõ rồi, áp lực giao thông tràn vào lại ứ đọng tại khu vực đô thị đông dân như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, khiến Hà Nội vẫn phải đối diện với nguy cơ UTGT trầm trọng. Mà thậm chí còn đáng lo ngại hơn bởi áp lực hiện nay đang dồn cả vào nội đô." -Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan
|