Nhu cầu ngày càng cao
Theo thống kê của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng), tại thời điểm chuyển giao công tác sát hạch lái xe sang Bộ Công an, cả nước có khoảng 705.105 người đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa được tổ chức sát hạch lái xe. Trong đó, 340.483 trường hợp thuộc diện cấp giấy phép lái xe ô tô; 364.622 trường hợp thuộc diện cấp giấy phép lái xe mô tô. Riêng tại TP Hà Nội có 72.978 hồ sơ chờ sát hạch.
Ngay từ khi tiếp nhận nhiệm vụ, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, thực hiện chỉ đạo sát sao của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT – Bộ Công an), Ban Giám đốc Công an thành phố (CATP), Ban Chỉ huy Phòng CSGT Hà Nội đã tham mưu cho CATP chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, phương tiện, trang thiết bị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Sở Xây dựng để triển khai tiếp nhận, bàn giao công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân trên địa bàn TP một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Học viên thực hành xử lý tình huống mô phỏng trên ca bin tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh. Ảnh: Quốc Phương
Ngày 24/6, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương, huyện Thạch Thất, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã tổ chức kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô đầu tiên sau khi đơn vị này nhận nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Lưu Trung - Phó Đội trưởng Đội Sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, cho biết, trong tháng 6/2025, Phòng CSGT CATP Hà Nội tổ chức thi liên tục, ngày nào cũng có kỳ sát hạch để giải quyết tối đa số lượng thí sinh còn đang chờ thi, bảo đảm người dân được cấp giấy phép lái xe trong thời gian sớm nhất.
Theo trung tá Nguyễn Lưu Trung, tất cả các khâu tổ chức được triển khai nghiêm túc, minh bạch, tuân thủ đúng quy trình dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ Đội Sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (Phòng CSGT CATP Hà Nội) kết hợp với hệ thống camera và cảm biến hiện đại, bảo đảm tính công bằng, khách quan và độ chính xác cao trong chấm điểm.
Từ ngày 24 - 30/6, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã phối hợp tổ chức 12 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe. Trong đó gồm 10 kỳ sát hạch ô tô và 2 kỳ sát hạch mô tô. Tổng cộng đã có 2.061 hồ sơ đăng ký, trong đó 1.278 thí sinh đủ điều kiện dự thi (952 thí sinh ô tô, 326 thí sinh mô tô). Kết quả, 568 thí sinh đạt yêu cầu và được cấp giấy phép lái xe, đạt tỷ lệ 44,4% (gồm 324 ô tô, 244 mô tô). Sau những ngày tổ chức thành công các đợt sát hạch lái xe, đại diện Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết, do có thời gian chuẩn bị kỹ càng, lực lượng chức năng đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, sát hạch viên, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để triển khai nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Tuy vậy, nhiều người dân cho rằng với nhu cầu được cấp bằng lái xe cao như hiện nay, Hà Nội cần tổ chức các kỳ sát hạch liên tục để người dân được cấp bằng lái và điều khiển phương tiện ra đường. Anh Lê Văn khánh trú tại phường Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: “Tôi hoàn thành khóa học từ cuối tháng 2/2025, nhưng hiện nay vẫn chưa có lịch thi sát hạch. Mới đây, Hà Nội bắt đầu sát hạch lại bằng lái xe sau nhiều tháng tạm dừng, tôi khá lo lắng vì tỷ lệ trượt cao nên đã bắt đầu ôn luyện kiến thức lại”.
Thiếu trung tâm sát hạch
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do số lượng hồ sơ chờ sát hạch lớn đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ tham gia giao thông của người dân và tạo bức xúc trong dư luận xã hội. Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tồn đọng nhiều hồ sơ thi bằng lái xe là hiện đang thiếu trung tâm sát hạch lái xe.
Cả nước hiện có 160 trung tâm sát hạch được cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, khi thực hiện đấu thầu, mỗi địa phương chỉ có một trung tâm trúng thầu dẫn tới tình trạng quá tải. Người dân phải chờ đợi để sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại trung tâm duy nhất này. Trong khi đó, các trung tâm khác dù đủ điều kiện nhưng không trúng thầu nên không thể triển khai, gây lãng phí nguồn lực.
Theo Thông tư số 12/2025/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2026, người dân sẽ được lựa chọn địa điểm tham gia sát hạch theo nhu cầu và nơi cư trú. Nếu chỉ cho phép tổ chức sát hạch tại trung tâm trúng thầu, sẽ không bảo đảm quyền lựa chọn của người dân và làm tăng chi phí do phải đi xa nơi cư trú. Do đó, Bộ Công an kiến nghị cho phép cơ quan tổ chức sát hạch được chủ động lựa chọn trung tâm sát hạch phù hợp với số lượng, địa điểm đăng ký của người dân, tránh tình trạng quá tải khi chỉ sử dụng một trung tâm trúng thầu.

Sát hạch tại Trung tâm cấp giấy phép lái xe Sóc Sơn. Ảnh: Huy Hùng
Để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, mới đây, Bộ Công an đề xuất Bộ Tài chính thống nhất một số phương án cụ thể. Trước mắt, áp dụng khoản 3 Điều 82 Nghị định số 24/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 17/2025), cho phép lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu có tính chất cấp bách, yêu cầu đặc thù về thủ tục, tiêu chí lựa chọn, điều kiện ký kết hợp đồng... để thuê trung tâm sát hạch và tổ chức thi, giải quyết dứt điểm các trường hợp hồ sơ tồn đọng.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Văn Dương cho rằng, Hà Nội cần phải tổ chức hàng trăm kỳ thi sát hạch trong thời gian liên tục mới có thể giải quyết được hết số hồ sơ đang tồn đọng. Việc cho phép cơ quan tổ chức sát hạch chủ động lựa chọn trung tâm sát hạch phù hợp với số lượng, địa điểm đăng ký của người dân là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn tại thời điểm hiện tại.
“Cơ quan chức năng cần sớm hoàn tất đánh giá tất cả các trung tâm nào đủ năng lực để sát hạch, cả trang thiết bị và con người thì cho sát hạch. Và khi học viên có nhu cầu được sát hạch ở đâu cho phép sát hạch ở đấy. Nếu cứ trông chờ số lượng trung tâm sát hạch như hiện nay ở Hà Nội, thì hàng chục nghìn học viên sẽ phải chờ nhiều tháng nữa mới có thể có giấy phép lái xe” - chuyên gia này nhìn nhận.