Ngày 25/7, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để phát triển kinh tế - xã hội, ngoài việc đang triển khai hàng loạt dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối vùng, tỉnh Bình Dương đang lên kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh vùng Đông Nam Bộ ra cảng biển nhằm nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, giảm tải cho đường bộ, tránh ùn tắc giao thông.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo đầu tư |
Về nguồn vốn xây dựng, đại diện tỉnh Bình Dương đã nhiều lần gặp đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất để tổ chức này cùng Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nguồn vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có cuộc gặp mặt đại diện JICA và đề xuất tổ chức này cùng Chính phủ Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ thu xếp nguồn vốn ODA và đẩy nhanh công tác triển khai 3 dự án với tổng vốn vay 543 tỷ Yên, bao gồm 2 dự án đường sắt án nói trên cùng dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh.
Cụ thể, 2 tuyến đường sắt tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng tới đây gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh từ ga cuối Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) đến TP mới Bình Dương và tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép dài 127,45km, bằng nguồn vốn ODA.
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, sắp tới, tùy từng dự án liên quan, JICA sẽ phối hợp để tổ chức các phiên làm việc cụ thể với Bình Dương nhằm xây dựng phương án triển khai các dự án sớm nhất có thể.
Được biết, thời gian qua, bằng nguồn vốn ODA của JICA, tỉnh Bình Dương đã đầu tư hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 5.753 tỷ đồng, giải quyết vấn đề thoát nước và xử lý nước sinh hoạt tại đô thị TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An.
Là tỉnh phát triển công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lượng hàng hóa vận chuyển rất lớn, nhưng chủ yếu bằng đường bộ, chiếm tới 90% lưu lượng hàng hóa đi và đến. Bình Dương hiện nay có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua dài 8,6km, nằm trên địa bàn TP Dĩ An với ga Sóng Thần và ga Dĩ An.
Trong đó, ga Sóng Thần có công suất vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa/năm, xếp dỡ bình quân là 5 xe/ngày và ga Dĩ An làm nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức tránh vượt các đoàn tàu Bắc Nam. Việc Bình Dương xây dựng các tuyến đường sắt nói trên thực sự cần thiết, nhằm đa dạng hóa giao thông, giảm áp lực hệ thống giao thông đường bộ đang ngày một quá tải.