Bộ Giao thông đổ lỗi cho Tổng thầu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dư luận lập tức hướng sự chú ý đến Bộ GTVT để chờ đợi những lời giải trình “lọt tai” nhất. Và buổi giao ban báo chí quý III/2019 vừa qua được chờ đợi sẽ được Bộ GTVT tường minh các vấn đề. Nhưng nhiều người đã phải thất vọng.

Bo Giao thong do loi cho Tong thau Du an duong sat Cat Linh - Ha Dong - Hinh anh 1
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chạy qua đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. 

Chủ trì buổi họp báo là ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT. Đến phần trả lời câu hỏi của phóng viên báo đài về những vấn đề liên quan đến Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, vị chủ trì đề nghị đại diện Cục Đường sắt Việt Nam lên trả lời nhưng tìm mãi không thấy, nên Thứ trưởng Đông ngao ngán: “Những lúc nóng nhất lại chạy đi như thế này”... Cả phòng họp cười ồ.

Thứ trưởng Bộ GTVT hỏi tiếp: “Ban Quản lý Đường sắt có ông Phương ở trong phòng họp báo không?”. Câu trả lời vẫn là những cái lắc đầu. Ông Đông cười trừ: “Để mỗi lãnh đạo diễn thôi nhỉ?”. Cả hội trường lại cười ồ lên lần nữa. Có lẽ đây là lần đầu tiên một buổi họp giao ban báo chí của Bộ GTVT có những tình huống khó đỡ như vậy.

Điệp khúc quen thuộc

“Lỗi thuộc về Tổng thầu” là điệp khúc được Bộ GTVT nhắc đi nhắc lại trong thời gian qua mỗi khi dư luận đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tục bị vỡ tiến độ. Cụm từ này cũng được Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi họp báo. Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc giải thích nguyên nhân tại sao dự án chưa thể về đích. “Dự án này từ lâu đã nói chỉ còn lại 1% khối lượng công việc.

Tồn tại lớn nhất của dự án là việc tập hợp hệ thống các hồ sơ đi kèm theo. Đối với hệ thống xây dựng đã cơ bản xong và đã có thẩm định, nghiệm thu. Nhưng vấn đề là phần lắp đặt các thiết bị thì hồ sơ đi kèm theo chưa đầy đủ” – Thứ trưởng Đông lý giải và cho rằng, sự chậm trễ này hoàn toàn do lỗi của Tổng thầu (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc).

“Các thiết bị, linh kiện bao giờ cũng có hồ sơ từ khi sản xuất đến khi việc lắp đặt hoàn thành. Cái này trách nhiệm lớn nhất vẫn là do tổng thầu, bởi nếu làm đến đâu tập hợp hồ sơ ngay đến đó thì đến giờ có lẽ hồ sơ đã được tập trung đầy đủ. Đằng này họ lại tập trung làm ở hiện trường xong rồi giờ mới đi tập hợp hồ sơ nên mất thời gian” – ông Đông giải thích thêm, đồng thời khẳng định đã thuê một đơn vị tư vấn độc lập của Pháp chuyên đánh giá an toàn hệ thống đường sắt trên thế giới để đánh giá về mức độ an toàn của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, hiện Tổng thầu vẫn chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên đơn vị tư vấn độc lập này đánh giá chưa đủ cơ sở để xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định. “Đây là đánh giá độc lập. Còn việc nói thiết bị có xuất xứ hay không có xuất xứ thì tất cả hồ sơ họ gửi lên không có cái nào nói thiết bị không có xuất xứ mà vấn đề là phải tập hợp hồ sơ” – Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Sợ mang tiếng “nói “mà không làm”...

“Khi nào dự án sẽ đưa vào vận hành?”, “Có mốc cụ thể nào không?”, “Chỉ còn 1% công việc thì khi nào sẽ xong?”... đó là những câu hỏi những mong có được câu trả lời từ lãnh đạo Bộ GTVT. Tuy nhiên, trái với những lần trước khi lãnh đạo Bộ GTVT nhiều lần quả quyết và đưa ra thời gian cụ thể cho dự án, lần này dù được hỏi đi hỏi lại nhiều lần, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông không một lần đề cập đến con số cụ thể cho ngày hoàn thành và khai thác chính thức của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. “Về tiến độ, chúng tôi cũng đã nói rồi, chúng tôi đang rất khẩn trương, quyết liệt và theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Nhưng bây giờ mà nói con số mấy ngày nữa các đồng chí lại bảo là cứ nói lại không làm, nói lại không làm” – ông Đông phân trần.

Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định rằng “chúng tôi có đặt mốc” nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thực hiện được mốc đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào Tổng thầu thực hiện. Ông Đông cho biết thêm, phía Tổng thầu đã có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng Bộ GTVT đánh giá là chưa khả thi nên chưa đồng ý. Bộ đã yêu cầu Tổng thầu lập kế hoạch chi tiết với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành. Sau khi chốt được mốc thời gian hoàn thành, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cũng như thông tin kịp thời với dư luận. “Bây giờ nói ra một con số chưa chắc đã là con số đúng. Khi nào có, báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền thì chúng tôi sẽ công bố với báo chí.

Đấy là cam kết của ngành” – ông Đông nói đồng thời khẳng định quan điểm của Bộ GTVT là “không dây dưa” và “rất kiên quyết”. Tuy nhiên, ông Đông không quên phân trần thêm rằng, việc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ như hiện nay còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác. Đơn cử như sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến không thể thực hiện hoàn thành công tác khảo sát thiết kế, lập tổng dự toán để làm cơ sở xác định giá trị trọn gói ngay từ đầu. “Vấn đề này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân chủ quan do kinh nghiệm không có, thiết kế ban đầu và cả quá trình quản lý. Đây là bài học rất đắt giá” – Thứ trưởng Đông thừa nhận.

Về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan tới dự án chậm tiến độ, do dự án trải qua thời gian dài, nhiều bên liên quan. Ban đầu dự án do Cục Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, sau đó chuyển sang Ban quản lý dự án đường sắt. Bộ GTVT đang rà soát, kiểm điểm cá nhân, tổ chức liên quan, khi nào có sẽ công bố.

 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Quý Nguyễn

Tin liên quan