|
Tháng 6/2023 sẽ khởi công dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. |
Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 685/BDN ngày 29/7/2022, nội dung kiến nghị như sau: “Đối với 5 dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3, cử tri kiến nghị quyết liệt triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản, làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước.”
Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội, Bộ GTVT cho biết, Bộ đồng thuận với kiến nghị của cử tri nêu trên và xác định việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm nói riêng, cũng như dự án giao thông nói chung bảo đảm tiến độ, chất lượng, công khai minh bạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tập trung lực lượng hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án đường bộ cao tốc để Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Cho đến nay, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tham mưu cho Chính phủ: Ban hành các Nghị quyết để triển khai các dự án đường bộ cao tốc; Ban hành Quyết định để phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần thuộc 03 Dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Đồng thời, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương đã chủ trì nhiều buổi làm việc và tổ chức 3 hội nghị để quán triệt các cơ quan, đơn vị tham gia triển khai các dự án phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; chủ động tích cực thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình triển khai các dự án.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tích cực triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng… cho các dự án đường bộ cao tốc.
Đề nghị cử tri TP Hà Nội cũng như người dân các địa phương có các dự án giao thông đi qua quan tâm, ủng hộ trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là công tác hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng, để sớm tổ chức thi công hoàn thành nhằm phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.