Bổ sung quy định phòng, chống thiên tai lĩnh vực đường bộ

KHẢI HOÀ
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 43/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/1/2019 quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.


Bo sung quy dinh phong, chong thien tai linh vuc duong bo - Hinh anh 1
Ảnh minh hoạ.

Thông tư bổ sung Điều 9a về công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai vào sau Điều 9 (chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các hệ thống đường bộ địa phương; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về giao thông đường bộ của UBND cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai bao gồm: Thời điểm bắt đầu, diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do ảnh hưởng của thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra; các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.

Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung Điều 11a xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai vào sau Điều 11 (hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai). Cụ thể, xây dựng công trình khẩn cấp nhằm kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt. Xây dựng công trình khẩn cấp phải được thực hiện bằng Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của cấp có thẩm quyền.

Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp có các nội dung chính như mục đích xây dựng, địa điểm xây dựng; người được giao quản lý thực hiện xây dựng công trình; thực hiện xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông.

Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng công trình khẩn cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2022.

Tin liên quan