Thông tin về việc trạm BOT Cai Lậy sắp tái thu phí đã râm ran từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, thời gian cụ thể để trạm thu phí này hoạt động trở lại sau một thời gian dài tạm ngừng vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Phương án được chọn là tối ưu nhất
Để làm sáng tỏ mối quan tâm của dư luận, chiều 25/2, Bộ GTVT phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo về Phương án tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Cai Lậy để hoàn vốn đầu tư dự án Xây dựng công trình QL1 đoạn thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ này.
Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (thuộc Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT đã nghiên cứu và chỉ ra 3 nhóm vấn đề bất cập đang tồn tại ở các trạm BOT. Thứ nhất là nhóm các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu. Nguyên nhân do xuất hiện các đường ngang, đường dọc, đường tránh; Thứ hai là chưa tăng được phí theo lộ trình (một phần khác là do việc miễn giảm phí); ngoài ra còn có thay đổi phương án hỗ trợ từ ngân sách.
|
Bộ GTVT tổ chức họp báo về việc BOT Cai Lậy thu phí trở lại (Ảnh: Lê Lối) |
Ông Huy cho biết, ngoài BOT Cai Lậy còn có 6 dự án khác được xếp vào nhóm này gồm các dự án: Tránh Phủ Lý, tránh Thanh Hóa, tránh Hà Tĩnh, tránh Đồng Hới, tránh Biên Hòa và tránh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, còn nhóm dự án đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào thu phí như BOT Tân Đệ, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. “Bộ GTVT đang tập trung nghiên cứu để sớm đưa ra 3 nhóm giải pháp nhằm tiếp tục xử lý 3 nhóm bất cập BOT này trong năm 2019” – ông Huy nói. Đồng thời cho biết, sau một thời gian dài nghiên cứu, Bộ GTVT đã họp lấy ý kiến các bộ và địa phương để hoàn chỉnh phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại Văn bản số 170/BGTVT-ĐTCT, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ 5 phương án xử lý, trong đó ưu tiên một là: Giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy, thực hiện giảm giá cho các phương tiện và mở rộng phạm vi giảm giá cho Nhân dân khu vực lân cận trạm.
“Phương án 1 có rất nhiều ưu điểm như Nhà nước không phải hỗ trợ kinh phí; không ảnh hưởng đến các dự án BOT tuyến tránh đang khai thác; đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, tránh ùn tắc, giảm TNGT, không phải bổ sung chi phí xây dựng trạm trên tuyến tránh và chi phí quản lý (theo tính toán là 7,5 tỷ đồng/năm nếu xây thêm trạm trên tuyến tránh); đảm bảo phương án tài chính dự án” – ông Huy phân tích và cho biết thêm, sau khi kiểm tra, xem xét, Thường trực Chính phủ đã đồng ý lựa chọn phương án 1 mà Bộ GTVT đưa ra. Bộ GTVT và nhà đầu tư dự kiến sẽ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Cai Lậy trong tháng 3/2019 sau hơn một năm dừng hoạt động.
Nhà đầu tư bàng quan?
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo nhà đầu tư hoàn tất công tác sửa chữa, bảo trì công trình dự án, phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương kiểm tra, rà soát lại công tác bảo trì, đảm bảo ATGT để khai thác an toàn. Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư đã phối hợp với chính quyền các địa phương có liên quan để xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự khi trạm Cai Lậy hoạt động trở lại.
Điều khá bất ngờ là trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về phương án đảm bảo cho công tác thu phí an toàn và chủ động đối phó với nạn tiền lẻ như đã từng xảy ra, đại diện nhà đầu tư lại tỏ ra khá bàng quan.
Phó Giám đốc Hành chính Công ty Đầu tư QL1 tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Cường cho biết, sau hơn một năm dừng thu phí, nhà đầu tư lỗ hơn 130 tỷ đồng. Trong đó bao gồm lãi vay ngân hàng, tiền sửa chữa bảo dưỡng mặt đường, tiền bảo vệ... “Việc đầu tư của chúng tôi đã đi vào ngõ cụt rồi” – ông Cường than thở.
Theo ông Cường, với phương án tiếp tục giảm giá vé đã được đưa ra, mức giá vé tại BOT Cai Lậy giảm rất sâu so với trước đó, điều này sẽ là gánh nặng với nhà đầu tư. Ông Cường dẫn dụ, giá vé dành cho ô tô con, giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt. “Như vậy mức giảm tới 63% trong khi chi phí vận hành vẫn giữ nguyên. Đó là gánh nặng của nhà đầu tư đã đứng ra chịu đựng hơn một năm nay” – ông Cường nói.
Có lẽ vì thế, khi được hỏi về việc nhà đầu tư có giải pháp nào để đảm bảo cho công tác thu phí khi BOT Cai Lậy hoạt động trở lại hay không, ông Cường đã đẩy trách nhiệm này sang cho cơ quan Nhà nước. “
Chúng tôi là nhà đầu tư, chúng tôi chẳng có biện pháp gì cả để đảm bảo công tác thu phí. Nếu đưa tiền chẵn chúng tôi sẽ chọn một làn để trả lại tiền thừa. Anh em cũng phải thông cảm cho nhà đầu tư, chúng tôi là người làm ăn, là người bỏ vốn. Đồng hành cùng Nhà nước trong giai đoạn khó khăn nhưng tình hình hiện nay xảy ra như vậy chúng tôi chỉ biết năn nỉ các tài xế. Còn chuyện còn lại là câu chuyện của Nhà nước” – ông Cường cho hay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, trong thời gian qua đã có hàng trăm đoàn thanh tra, kiểm toán các cấp đến làm việc về các dự án BOT giao thông. Cùng với đó là hàng trăm bản kết luận liên quan đến vấn đề này.
“Có kết luận được, có kết luận chưa được. Bộ GTVT căn cứ vào các kết quả thanh tra để xử lý các bất cập ở các trạm BOT. Riêng BOT Cai Lậy là một trong những trường hợp đặc biệt nằm trong số đó. Công tác xử lý những bất cập sẽ còn phải tiếp tục trong thời gian tới, không phải ngày một ngày hai” – Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhận định.