Cấm xe tải lớn đi vào cao tốc 2 làn xe: Phương án nào để giải quyết ?

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều ý kiến đề xuất cần cấm xe tải lớn đi vào cao tốc 2 làn xe vốn đang tồn tại nhiều bất cập bởi nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Vậy, phương án nào để giải quyết ?

Bất cập chồng bất cập

 

Xuất phát từ việc có một số tai nạn xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, một số đề xuất cho rằng cần cấm xe tải lớn đi vào cao tốc 2 làn xe. Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam nêu quan điểm, đây là một ý kiến đề xuất mới, Cục Đường bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu tính khả thi để tìm phương án tổ chức giao thông phù hợp nhất.

 

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là cao tốc 2 làn xe, dù đã được khai thác nhưng chưa đưa vào vận hành thu phí. Điều này khiến các phương tiện, nhất là xe tải trọng lớn, xe container và xe khách đã phân lưu đi sang cao tốc Cam Lộ - La Sơn để tránh các trạm thu phí (Đông Hà, Phú Bài, Hải Vân) trên Quốc lộ 1.

 

Theo ý kiến của một số lái xe chạy trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, do chở nặng, xe tải lớn hoặc container thường chạy rất chậm, chỉ 40 - 50 km/h trong khi cao tốc cho phép đạt tốc độ 80km/h. Bất cập này dẫn đến việc chưa khai thác được hết năng lực của tuyến cao tốc khiến nhiều xe con, xe khách vượt ẩu, lấn làn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

 

Cam xe tai lon di vao cao toc 2 lan xe: Phuong an nao de giai quyet ? - Hinh anh 1
 Tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2 do va chạm giữa ô tô tải, ô tô con và xe đầu kéo khiến 3 người thiệt mạng

Hiện cả nước có 5 tuyến cao tốc đang khai thác quy mô 2 làn xe gồm: La Sơn - Hoà Liên, Hoà Lạc - Hoà Bình, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Cam Lộ - La Sơn.

 

Trước đó, các tuyến đường cao tốc 2 làn cũng bị chỉ ra nhiều bất cập như: chỉ thiết kế mỗi bên 1 làn đường, 1 làn dừng khẩn cấp mà không có dải phân cách cứng ở giữa. Trung bình khoảng  8 – 10km lại có 1 đoạn làm thành 2 làn xe chạy để cho phép các xe vượt lên kéo dài khoảng 1,5 - 2km. Điều này tạo ra nhiều nút thắt cổ chai trên tuyến cao tốc; việc bố trí các biển báo nhập làn tại vị trí tai nạn chưa hợp lý hoặc quá ngắn so với tầm nhìn của tài xế…

 

Tất cả những bất cập trên đều đã được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ, các đơn vị liên quan tiếp nhận, tiến hành khảo sát và lên phương án để khắc phục.

 

Cần xem xét kỹ

 

Các tuyến đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc tăng kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Thực tế cho thấy, nhu cầu vận chuyển là một phần không thể thiếu trong hoạt động giao thông. Nếu cấm các phương tiện tải trọng lớn đi ở cao tốc thì xe tải lớn sẽ phải đi qua các tuyến quốc lộ song hành. Khi đó, việc mất trật tự an toàn giao thông từ cao tốc lại đổ ra các tuyến đường khác.

 

Theo ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ): “Xe tải, xe tải nặng, xe container hay xe khách thì Bộ GTVT cũng đã ban hành các thông tư theo quy định, các loại xe này trong diện được quy định thì phải cấp phép và cho phép lưu hành. Dù là xe gì chăng nữa, dù là xe phục vụ cá nhân hay tổ chức, mục đích tham gia giao thông cũng là để phục vụ tổng thể nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Nên hiện tại chúng tôi chưa đặt vấn đề cấm hay không cấm mà chỉ tăng cường tổ chức giao thông phù hợp nhất".

 

Cam xe tai lon di vao cao toc 2 lan xe: Phuong an nao de giai quyet ? - Hinh anh 2
 Thủ tướng yêu cầu sớm nâng cấp các tuyến cao tốc 2 làn xe

Như vậy, xét về tổng thể, việc cấm xe tải lớn đi vào cao tốc 2 làn ngay ở thời điểm hiện tại là chưa thể làm luôn. Các tuyến cao tốc hai làn hiện đang được rà soát để mở rộng. Đối với tuyến cao tốc mới như Cam Lộ - La Sơn, trong giai đoạn mới khai thác các cơ quan chuyên môn cần có thêm thời gian để nghiên cứu xem có phù hợp hay không.

 

Bên cạnh đó, các giải pháp đưa ra cần được xem xét một cách tổng thể tính đến cả phương án nếu không cho xe tải lớn đi cao tốc thì sẽ phải làm thế nào để giảm tải áp lực cho các quốc lộ song hành vốn đã xuống cấp do khai thác nhiều năm và có thời gian lưu thông chậm hơn các tuyến cao tốc mới. Có như vậy mới giải quyết được triệt để vấn đề nhằm đạt hiệu quả lâu dài cũng như tránh gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện.

 

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đặc biệt các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp và sớm lên phương án khắc phục.

 

Tin liên quan