Nhu cầu bức thiết
Hệ thống giao thông thông minh (lntelligent Transport System - hệ thống ITS) là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ để liên kết con người, hệ thống đường giao thông và các phương tiện giao thông đang đi trên đường, thành một mạng lưới thông tin và viễn thông. Qua đó, phục vụ cho việc ra quyết định của người tham gia giao thông, cơ quan quản lí giao thông, góp phần giảm tai nạn, tắc nghẽn giao thông và giảm thiểu khí phát thải ra môi trường.
Hệ thống ITS bao gồm: bảng điện tử, camera giám sát tự động cung cấp thông tin về tình trạng tuyến đường, mật độ xe, sự cố… giúp lái xe kịp thời nắm bắt. Khi sự cố hoặc tai nạn xảy ra, trung tâm xử lý dữ liệu có thể phát hiện và điều phối kịp thời lực lượng cứu hộ đến hiện trường.
Đồng thời đưa ra cảnh báo đảm bảo an toàn đối với các tài xế nội tuyến và liên tuyến. Cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông trên cao tốc.
Theo quy hoạch, mạng lưới cao tốc nước ta có 41 tuyến, nhưng hiện mới có 8/35 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS gồm: Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, TP Hồ Chí Minh - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Ông Ngô Huy Thuần - Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, hệ thống ITS hoạt động rất hiệu quả đối với việc vận hành đường cao tốc.
“Nhờ có hệ thống ITS, tất cả thông tin từ các xe đi sai làn hoặc người đi bộ, đi xe máy vào đường cao tốc, hệ thống sẽ tự động cập nhật và đưa ra cảnh báo. Bên cạnh đó, tính năng camera được VEC đầu tư nâng cấp từ tháng 9/2022 giúp dò xe phát hiện sai làn, camera có thể quét hình ảnh trong phạm vi 2 km. Nếu không may trên tuyến xảy ra sự cố, từ phòng điều khiển có thể phóng to, thu nhỏ hình ảnh để quan sát và đưa ra cảnh báo kể cả khi nhân viên hỗ trợ chưa kịp tiếp cận hiện trường.
Ngoài ra có các tính năng thông báo, đánh giá lưu lượng xe và cảnh báo thông tin trên tuyến thông qua hệ thống thông tin. Nhân viên trực vận hành sẽ cập nhật để lái xe nắm được khi bắt đầu vào tuyến. Việc này giúp quản lý, điều hành và xử lý sự cố trên cao tốc nhanh hơn rất nhiều.” – ông Ngô Huy Thuần cho biết.
Nước ta hiện có 35/41 tuyến cao tốc được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 2.000km, dự kiến, đến năm 2025 sẽ đạt 3.000km và đến năm 2030 đạt 5.000km.
Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Đại học Việt Đức, trong bối cảnh chiều dài đường cao tốc đang lớn dần, việc đầu tư đồng bộ hệ thống ITS với đường cao tốc là rất cần thiết.
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý khai thác, điều tiết dòng xe là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc giúp người tham gia giao thông liên tục được cập nhật thông tin, hệ thống ITS cũng giúp giám sát phát hiện và xử phạt hành vi vi phạm trên cao tốc kịp thời. Điều này có ý nghĩa lớn với việc đảm bảo an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn. Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn hệ thống ITS để đảm bảo hiệu quả và nâng cao tính an toàn trên các tuyến cao tốc” – PGS.TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thiếu khung kiến trúc tổng thể về ITS
Theo lộ trình phát triển cao tốc, theo từng giai đoạn, hệ thống ITS sẽ được đầu tư đồng bộ và phù hợp để quản lý khai thác toàn bộ tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, nước ta hiện chưa có chính sách quốc gia về phát triển hệ thống ITS tập trung vào tuyến đường cao tốc và các TP lớn dẫn đến thời gian qua việc đầu tư chưa đồng bộ.
“Thông thường khi thúc đẩy chương trình đầu tư quốc gia phát triển công nghệ nào đó thì các nước sẽ có chương trình quốc gia rồi mới triển khai xuống bộ ngành địa phương. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các nước châu Âu đều có chính sách quốc gia về phát triển ITS, có quy hoạch khung, cơ chế chính sách, quy định về đầu tư...
Việt Nam chưa có khung kiến trúc tổng thể về hệ thống ITS dẫn đến việc đầu tư hiện nay còn phân mảnh. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách quốc gia về đầu tư hệ thống ITS để có căn cứ thực hiện đồng bộ” – PGS.TS Vũ Anh Tuấn nêu quan điểm.
Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam một trong những đơn vị đang cung cấp giải pháp công nghệ giao thông thông minh chia sẻ: “Hệ thống ITS có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc. Tuy nhiên hiện nay, việc làm chủ công nghệ và chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chuyên ngành và giữa các tuyến cao tốc chưa đồng bộ. Cần xem xét kỹ vấn đề này để có thể đầu tư hệ thống ITS có tính bền vững, lâu dài”.
Nhiều tuyến cao tốc hiện nay đưa vào khai thác rất lâu nhưng chưa có hệ thống ITS và có những tuyến cao tốc hệ thống ITS đã xuống cấp. Việc không có các “tai mắt” cảnh báo các tình huống trên đường cho người dân tham gia giao thông dẫn đến một số tình huống tai nạn đáng tiếc, gây ùn tắc giao thông. Điều này ảnh hưởng đến việc vận chuyển hành khách và hàng hoá, làm giảm hiệu quả khai thác kinh tế và kết nối giữa các tuyến cao tốc.
Theo ông Đỗ Bá Dân, việc đầu tư hệ thống ITS cần được xem xét đầu tư song song khi làm đường cao tốc để khi đưa vào vận hành được đồng bộ. Đường xong ITS cũng phải xong theo, tránh tình trạng như hiện nay nhiều tuyến vận hành khá lâu nhưng chưa có cảnh báo thông tin hữu ích cho người tham gia giao thông.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với tốc độ phát triển của các tuyến đường cao tốc ở nước ta, cần xem xét sớm về việc bố trí các trung tâm điều hành. Khoảng cách giữa các trung tâm nếu quá ngắn sẽ gây lãng phí đầu tư mà quá dài thì việc kiểm soát và tiếp cận khi không may sự cố xảy ra bị chậm trễ.
Việc bố trí các trung tâm điều hành cách nhau từ 70 - 100km là hợp lý để quá trình điều hành sự cố trên đường là khả thi. Giả sử trung tâm điều hành nằm giữa thì mất tầm 30 phút là tiếp cận được nơi xảy ra sự cố để xử lý các tình huống cấp bách.
Huyền Sâm